mắng chửi mệt rồi, ngài mới hỏi người đó: “Anh bạn à, nếu có một người
tặng thứ đồ gì đó cho người khác, mà đối phương không muốn nhận, vậy
thì thứ đồ đó thuộc về ai?”
“Dĩ nhiên là thuộc về người tặng đồ rồi!” Người đó không hiểu câu trả
lời đã nằm trong lời nói đó.
“Anh cứ mắng tôi suốt như vậy, nếu như tôi không nhận, vậy thì những
lời đó thuộc về ai?”
Người đó bỗng chốc hiểu ra.
Giả câm giả điếc không phải thiếu tự tin, mà là không muốn quan tâm,
xem thường những lời đồn đại, không tức giận vì chúng, để không lãng phí
sức lực của chúng ta. Người ta phỉ báng bạn vì họ muốn thấy bạn tức phát
điên lên, chờ bạn phản kích lại, tiện đó mượn cớ để ra tay với bạn. Nếu
bạn tỉnh bơ, không phản ứng gì, vậy thì người không vui, đứng ngồi không
yên chính là bản thân người phỉ báng.
Thi tăng thời Đường - Hàn Sơn hỏi thiền sư Thập Đắc: “Hôm nay có
người khinh con, sỉ nhục con, vô lễ với con, cười nhạo con, coi thường
con, ức hiếp con, nói xấu con, tổn thương con, chê trách con, hận con, vậy
phải làm sao?” Thiền sư Thập Đắc trả lời: “Con cứ nhẫn nhịn thôi, cứ kệ
hắn, nhường hắn, kính trọng hắn, né tránh hắn, chịu đựng hắn, giả câm giả
điếc, thờ ơ không để ý, lặng lẽ quan sát, xem kết cục hắn như thế nào.”
Nếu ai ai cũng hiểu được điều này thì tin rằng những lời nói xấu ác
độc cũng chùn bước. Lặng lẽ quan sát lời nói xấu cũng giống như việc đem
nguyên xi những lời mắng chửi và nguyền rủa trả lại cho người đã tạo ra
lời nói xấu đó. Trong tiếng chửi rủa, chúng ta vẫn có thể lĩnh ngộ tiến lên,
sống một cách tiêu diêu tự tại.