— Cút sạch hết cho tôi nhờ!
Bác sĩ và y tá cũng can thiệp để đuổi hết phóng viên ra khỏi phòng bệnh.
Bệnh nhân của họ vừa phải chịu cú sốc quá lớn và cần để anh ta bình tĩnh
trở lại.
Phải, đó là chuyện bình thường. Và, ngày hôm sau, báo chí Munich cũng
tỏ ra hết sức thông cảm.
Rồi, nhiều báo mở cuộc điều tra riêng. Ông chú Kohler đã sang nước
ngoài lập nghiệp ngay sau Thế chiến 2 và chẳng bao giờ cho biết tin tức gì
về mình, thậm chí người ta không hay biết ông đã tới nước nào. Ở Úc, ông
khởi nghiệp buôn bán nhỏ, rồi công việc làm ăn phát đạt đến nỗi ông trở
thành người cầm đầu cả một vương quốc phân phối hàng hoá.
Những bài báo được lên trang, không chỉ khuôn mặt Rudy nằm trên
giường bệnh, mà còn cả những tấm ảnh của anh ta cách nay đã lâu, khi anh
mới 17 tuổi, do cánh nhà báo tìm được tại nhà cha mẹ anh.
Theo ý các phóng viên, hẳn bạn đọc sẽ say mê theo dõi câu chuyện mà
thảm kịch cập kè với điều kỳ diệu này. Nhưng, trong toàn cục sự kiện, họ
vẫn cảm thấy mình còn thiếu thông tin về phản ứng của nhân vật chính. Rốt
cục anh ta nghĩ sao về số phận của mình? Anh có sung sướng không, hay
ngược lại, mang ý nghĩ tuyệt vọng? Và họ cố tìm hiểu.
Nhưng trong lúc các nhà báo túc trực tại bệnh viện SaintJoseph, cánh cửa
phòng Rudy luôn khép kín. Bệnh nhân tỏ dấu hiệu kiên quyết không cho bất
cứ một ai bước vào. Anh từ chối tất cả các cuộc phỏng vấn, tất cả mọi ảnh
chụp. Vợ anh, Carlotta, mà người ta rình rập suốt nhiều giờ mới “tóm” được,
cũng không nói gì hơn:
— Xin để tôi yên. Tôi chẳng có gì để phát biểu cả. Chồng tôi chỉ muốn
mọi người đừng chú ý đến anh.
Về phía cha mẹ của Rudy cũng y vậy. Dường như họ cũng nhận được tín
hiệu của con trai. Không chịu tiếp khách thăm nữa, không trả lời các câu hỏi
nữa, không đưa ảnh của gia đình nữa. Tất cả chỉ còn là im lặng.