— Stéphane chỉ giao thiệp với những thương nhân lương thiện, học nghề
làm bánh, ông cũng biết đấy, để lấy tiền học thêm về hội hoạ. Cháu nó nói
làm bánh, cũng là làm nghệ thuật. Cháu luôn mang bánh sừng trâu về nhà
cho tôi, bánh tự tay cháu nặn, trước khi tôi đi làm. Cháu tươi cười mũi còn
dính đầy bột, móng tay trắng bệch do nhào bột… Bức tranh vẽ cuộc sống,
cháu nói…
Bà Danant không ngừng nghỉ, bà nói mãi, kể mãi về Stéphane, đi sâu vào
các chi tiết, làm như bà muốn chạy trốn người trong tấm ảnh, khuôn mặt của
gã đàn ông mà bà đã từ lâu khắc trong tâm khảm. Rồi bà đột ngột ngưng
ngang:
— Xin lỗi, tôi cảm thấy không được khoẻ…
Nhân viên cảnh sát cáo lui. Nhiệm vụ nhàm chán, khó khăn và chẳng vui
thích chút nào, với gia đình các nạn nhân. Nhưng ông vẫn phải thực hiện
thường xuyên.
Tuy nhiên vào ngày tháng Năm năm 1975 ấy, có một điều ông đã để vuột
mất mà không kịp nhận ra.
Vào lúc ông đưa tấm ảnh cho người đàn bà, ánh mắt của bà ta… Nếu ông
hiểu được vào đúng giây phút ấy…
Ngày dựng lại hiện trường vụ án, không ai mời bà Danant đến xem diễn
lại vụ ám sát con trai bà, trong quán rượu thuộc khu phố ấy, trên vỉa hè ấy,
nơi chàng thanh niên bị bắn chết lúc mới 30 tuổi – người thân thuộc duy
nhất của bà.
Và bà đã thình lình rút súng bắn Marcel Bertz, bắn như một người điên
với thứ vũ khí mà bà vốn không quen sử dụng. Một khẩu súng ngắn của phụ
nữ, theo những người bán vũ khí, nhưng bắn ở cự ly rất gần và bằng cách xả
hết băng đạn, bà đã đạt được điều bà muốn.
Đến lượt gã ám sát con bà chết ngay trên vỉa hè nơi gã gây án.
Để trả thù?
Vâng, trả thù, nhưng còn hơn thế nữa.
Có một sự tình cờ một phần triệu và điều tình cờ đã xảy ra…