nàng. Đầu chàng bỗng nhức như búa bổ. Nếu Lê Diệp không ngồi bên, ở
băng sau không có hai tủ gương bằng thịt ngồi chồm chỗm, vẻ mặt lì lợm,
thì Văn Bình đã gục xuống ghế, mắt nhắm nghiền để tránh nhìn thực tại
phũ phàng và đau đớn.
Đến trước cổng một biệt thự trệt khá rộng, Lê Diệp dừng xe. Tuy
chung quanh không có ánh đèn, Lê Diệp cũng không mở pha hoặc bóp kèn,
hoặc ấn chuông điện, cửa cổng bằng sắt vẫn mở ra cho xe hơi từ từ chạy
vào vườn. Sự kiện này chứng tỏ rằng trụ sở Khánh hội của ông Tổng giám
đốc được canh phòng bằng dụng cụ điện tử. Con mắt điện tử ở trong biệt
thự “nhìn thấy” Lê Diệp đã ra lệnh cho cửa cổng tự động mở ra và đóng lại.
Xe chạy được một trăm thước thì đậu lại bên bậc cấp. Trời vẫn tối
mò.
Quang cảnh tiêu sơ và ảm đạm khiến Văn Bình liên tưởng lại trụ sở
Tân Sơn Nhất, một trong những tổng hành doanh bí mật đầu tiên của sở
Mật vụ. Ở đây không có những cái ghế sắt tróc sơn bị vứt lỏng chỏng trên
nền cỏ phiến loạn, không có cái hồ nước đen bẩn và đặt xịt như hắc in,
không có những mái ngói và tường gạch rêu xanh, tưởng như chạm vào là
nát bấy, tuy nhiên, Văn Bình vẫn thấy quen thuộc, thân mật như đã tới thăm
nhiều lần, như khu vườn ở đây chính là khu vườn của trụ sợ Tân Sơn Nhất.
Văn Bình bùi ngùi nghĩ đến những tiện nghi khoa học tân tiến và
lộng lẫy trong tòa bin-đinh cao ngất gần bờ sông Sài gòn. Có lần ông
Hoàng cho chàng biết là trụ sở đường Nguyễn Huệ có thể chịu được bom
nguyên tử: trong trường hợp thủ đô bị oanh tạc bằng nguyên tử, thì nhà
hầm của Công ty điện tử vẫn tồn tại, bên dưới có đủ điện, nước, dưỡng khí,
thực phẩm, thuốc men cho mấy trăm người trong thời gian 12 tháng.
Phải là một việc tối quan trọng ông Hoàng mới rời trụ sở Nguyễn
Huệ để qua Khánh Hội. Phải là một việc tối quan trọng ông Hoàng mới bố
trí chu đáo và hùng hậu để đưa chàng về gặp. Bỗng nhiên, chàng đâm ra sốt
ruột, mong cánh cửa mở ra ngay.
Lê Diệp xô cửa gỗ bước vào.
Cánh cửa nghiến ken két trên bản lề hoen rỉ. Đế giầy Văn Bình
dính vào nền gạch, chứng tỏ căn nhà này bỏ hoang, hoặc không được chăm