NỮ TƯỚNG THỜI TRƯNG VƯƠNG - Trang 41

Thục nương lui về Tiên La. Lúc ấy Vua Trưng đã tử tiết. Mã Viện đặt lại
quân huyện, đánh dẹp các nơi quân ta còn đóng giữ và đem đại quân tiến
sâu vào đất Cửu Chân đuổi đánh các tướng của Vua Trưng còn chống cự.
Thục nương nung nấu căm hờn mưu tính dựng lại nghiệp lớn, giữ vùng
Tiên La hàng chục dặm trải tám tuần trăng rằm giặc vẫn không quét nổi.
Một đêm, vào ngày mười tám tháng ba, Thục nương đang đi tuần trên sông,
chợt thấy Tiên La bốc lửa ngụt trời, vội cho thuyền vào bờ, vừa đặt chân
lên bến, một tướng giặc rảo bước đi tới vung đao chém. Thục nương chém
ngay tướng giặc đứt làm hai đoạn, phá vây chạy đi, quân Hán reo hò vang
bốn phía, trong ánh lửa thấy Tổ Hoài Đức cưỡi ngựa xốc tới. Thục nương
chạy đến gốc một cây tùng lớn tuốt kiếm tuẫn tiết.

Nơi Thục nương mất, mối đùn lên thành mộ, còn cây đại tùng ba ngày sau
khô héo mà chết. Nhân dân lập miếu thờ Thục nương ngay dưới bóng cây
đại tùng.

Vào đời hậu Lê, vua Lê Thánh Tôn mang quân đánh Chiêm Thành, thuyền
rồng ghé bến Tiên La, đóng quân lại nghỉ. Vua cho xem xét tìm miếu thờ
Bát Nạn công chúa rồi gọi các cụ già cả trong làng ra hỏi chuyện. Các cụ
đem sự tích Thục nương tâu bày với nhà vua. Vua Lê đem quân đánh
Chiêm Thành được đại thắng, khi trở về triều bèn bao phong Thục nương
làm " vạn cổ phúc thần ", để cùng đất nước hưởng phúc lâu dài, đời đời ghi
nhớ công lao người nữ anh hùng suốt đời vì nước (1).

Chú thích:
1. Truyện trên soạn theo thần tích miếu thờ Thục nương ở xã Phượng Lâu,
huyện Phù Ninh, Vĩnh Phú. Thục nương được thờ ở Tiên La (Thái Bình), ở
Phượng Lâu và ở Đức Bác (tức Liệp Trang, huyện Lập Thạch). Ngày sinh
thần là ngày mười lăm tháng tám năm Tân Sửu, ngày khánh hạ vào mồng
mười tháng ba và ngày hóa thần là ngày mười tám tháng ba.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.