GIỚI THIỆU
GS.TS Phạm Duy Thoại,
Berlin
Tháng 12.2004 tôi nhận được ấn bản thứ 2 của quyển “Nước Đức Thế
Kỷ XIX. Những thành tựu khoa học và kỹ thuật” mà nhiều người trong
chúng ta đã biết. Tuy nhiên với con số 1.000 cuốn của ấn bản đầu tiên
(2004), tôi chắc là vẫn còn nhiều người trong chúng ta chưa có được cuốn
sách này trong tay. Vì thế tôi xin khai bút đầu năm 2005 để giới thiệu đứa
con tinh thần này của anh Nguyễn Xuân Xanh đến các bạn gán xa.
Sách gồm 3 phần với 200 trang: Phần I mô tả nước Đức trong thời kỳ
công nghiệp hóa trong thế kỷ 19. Nước Đức phải làm những gì mà nước
Anh đã làm cả hai trăm năm trước đó. Phần II nói về cuộc cải cách giáo
dục, hệ thống đại học và những thành tựu khoa học và kỹ thuật của thế kỷ
19. Phần III là biên niên sử các phát minh và sáng chế lớn.
Mấy ai trong chúng ta khi nghĩ về nước Đức lại không “tâm phục” một
dân tộc đã sản sinh một số lớn đáng kinh ngạc những con người, những
thành tựu về khoa học, kỹ thuật cũng như về thơ và nhạc. “Trí tuệ Đức”
đã có những cống hiến thật đáng ngưỡng mộ trong thời “phục hưng” của
các lực lượng khoa học và công nghiệp thế giới của thế kỷ thứ 19. Ở vườn
cây đầy sức sống ấy đã nảy nở ra những hoa trái của đầu thế kỷ 20: Trong
thời gian từ 1901-1933, Đức có 31 nhà khoa học được giải Nobel, trong
khi Mỹ chỉ có 6. Chỉ 100 năm trước đó thôi, nước Phổ vẫn còn sống trong
nghèo nàn và lạc hậu. Sau khi thua Napoléon năm 1806, nhà nước Phổ
mới bắt đầu mạnh dạn có những cải cách lớn. Cuộc công nghiệp hóa thứ
nhất của Đức bắt đầu từ 1835-1845. Năm 1850 một mạng lưới đường sắt
dài 6.000 km đã được xây dựng xong, tạo điều kiện cơ bản cho cách mạng
công nghiệp. Cuộc công nghiệp hóa nước Đức là một cuộc chạy đua
“đuổi bắt” của một nước đi sau đối với nước phát triển hàng đầu là Anh.
Năm 1870, Đức vẫn còn thua nước Anh ở một số mặt, nhưng khoảng cách
ngày càng được thu ngắn lại. Đầu thế kỷ 20 sản lượng công nghiệp của
Đức đã vượt sản lượng công nghiệp của Anh. Đức từ một nước chạy theo