đành phải nói theo ngôn ngữ pháp luật của các nhà hành pháp mẫn cán
đang chờ đợi tôi.
Đám người chầu rìa xung quanh nhân vật quan trọng nhanh chóng tản
đi chỗ khác giống như những người lính sau tiếng còi hiệu lệnh vậy, còn lại
trước mặt tôi là người đàn ông trạc năm mươi tuổi, hoặc hơn năm mươi
tuổi, cũng có thể đã là sáu mươi, những người này thực ra rất khó đoán
tuổi, họ năm mươi hay sáu mươi tôi thấy cũng thế, không thể phân biệt
được, cũng sự nhàu nát ấy, cũng mưu toan ấy và cũng vẻ hơn hớn ấy, chẳng
ông nào thua kém ông nào một ly một tấc. Tất nhiên, tôi không bao giờ cho
phép mình thiên vị về mặt xã hội, nhất là trong quan hệ giữa người và
người, bao giờ cũng đặt chữ Lễ lên trên hết, tôi không ý thức được, may ra
còn được điều đó có lẽ là do nó ẩn sâu trong tâm linh mà thôi. Lại nữa, tôi
không muốn mình là mụ đàn bà lắm lời, chanh chua, điêu trác, tôi có tôn
giáo riêng của mình về vấn đề này, với một giáo lý khá nghiệt ngã. Người
ta có thể chê tôi là lẳng lơ, chê tôi bất cần, chê tôi dám cả gan đưa cả thiên
hạ ra làm trò cười nhưng người ta chưa hề phàn nàn một lời nào về tín
ngưỡng của tôi. Vâng, ánh mắt của người đàn ông trước mặt tôi lúc này là
minh chứng cho ý nghĩ rất đúng đắn của tôi.
Sau cặp kính viễn là hai tròng mắt màu nâu - đặc trưng của màu mắt
dân Việt - trong đó hàm chứa một dung lượng khát vọng được nén chặt đến
nỗi nó có thể nổ tung con ngươi lúc nào không biết. Trong ấy mọi vật từ
núi non sông nước, người già người trẻ sang hèn cho đến duy vật duy tâm,
Phật giáo hay Kitô giáo đều phân ly ra hai cực của một đơn vị câu nghi vấn
phủ định: nó không chống lại ta chứ?
Tôi nhìn tận vào đôi mắt người đối diện. Từ lâu, để tồn tại, tôi đã
luyện cho mình chiến thắng tính e lệ dịu dàng của phụ nữ bằng cách nhìn
thẳng vào đối phương, điều đó dễ dàng bộc lộ mình nhưng đồng thời những
kẻ manh tâm, khuất tất, mờ ám, lươn lẹo, dối trá, ba que, nham hiểm, mưu
mô... sẽ không chịu được cái nhìn trung thực, thẳng thắn của tôi. Có nhiều