Miyoshi Osamu giải thích:
“Chúng tôi sẽ phải tự vạch ra chiến lược riêng của mình và tổ chức một
hệ thống phòng thủ hiệu quả hơn, để đủ sức ổn định tình hình chính trị
trong khu vực này của thế giới. Nhưng chính phủ của chúng tôi, Đảng Dân
chủ-Tự do cầm quyền, lo sợ các phản ứng của cộng đồng quốc tế và trong
nội bộ nước Nhật. Chính phủ cũng lo ngại sự chống đối của một số quốc gia
như Nam Triều Tiên, Trung Quốc và các nước ASEAN. Thế mà chúng tôi
lại có trách nhiệm ổn định tình hình ở châu Á và Thái Bình Dương. Vì vậy,
chúng tôi phải có một chiến lược quốc gia. Để đạt mục đích đó, chính phủ
chúng tôi, bắt đầu từ thủ tướng, sẽ phải cố thuyết phục dân Nhật và các
quốc gia láng giềng về sự cần thiết của các thay đổi này, vốn sẽ chỉ nhằm ổn
định tình hình ở Viễn Đông và khu vực Thái Bình Dương. Chúng tôi không
có ý định lập lại những sai lầm trong quá khứ. Nhưng, để được như thế,
chính phủ phải tổ chức lại toàn thể các Bộ, không chỉ Bộ Ngoại giao và Cục
phòng vệ, mà cả MITI, Bộ Giáo dục và các cơ quan chính quyền khác nữa.
Mức chi phí quân sự chiếm 1% tổng sản phẩm quốc gia là đủ. Vấn đề
thực sự trong việc phòng thủ của chúng tôi thuộc về lĩnh vực tâm lý. Một
vấn đề tâm lý ở tầm cỡ quốc gia liên quan đến một vấn đề hợp pháp. Nước
Nhật bị cấm xây dựng một quân đội đúng nghĩa. Nếu có chiến tranh, chúng
tôi sẽ không thể nào đóng vai trò gì một mình được. Như vậy, trong trường
hợp giả sử Liên Xô tiến chiếm đảo Hokkaido, thì một tình trạng cực kỳ hỗn
loạn sẽ bao trùm các văn phòng của Cục phòng vệ. Hãy thử xem nào ! Xe
tăng của chúng tôi sẽ được các nhân viên cảnh sát ở các ngã tư đường phố
điều khiển. Thật nực cười. Nhưng cho đến bây giờ, các chính phủ kế tục
nhau ở Nhật vẫn lẩn trách không đề cập đến các vấn đề phức tạp đó. Họ
không chịu nói sự thật cho dân chúng về sự bất ổn của tình hình ở châu Á-
Thái Bình Dương.”
Nhật Bản, cường quốc đang suy tàn ở châu Á ?
Miyoshi Osamu nói thêm :
“Nếu như các quyết định này không được chấp nhận, tôi e rằng sức mạnh
của Nhật Bản sẽ bị giảm đi. Ông đã rõ dân tộc chúng tôi đang già đi. Có
nhiều người già hơn và có ít trẻ em hơn. Nhật Bản sắp sửa đạt đến đỉnh cao
sức mạnh của nó trong những năm 90 chứ không phải trong thế kỷ. Chúng
tôi cần có nhiều trẻ con hơn nữa. Chúng tôi không thể ngăn cản phụ nữ làm
việc, nhưng chúng tôi phải thuyết phục họ có nhiều con hơn”.
Còn về khả năng thống trị toàn cầu của Nhật ? Cũng giống như những
người khác, Miyoshi Osamu cho rằng điều đó khó tin. Nhưng ông không
cười.