việc tăng chi phí dầu do cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần thứ hai)
Trên thực tế, cuộc khủng hoảng dầu hỏa diễn ra vừa đúng lúc Nhật Bản
quyết định chuyển hướng công nghiệp vốn rất cần thiết và cấp bách.
Makoto Kuroda, cựu tổng giám đốc của MITI và là cố vấn đặc biệt của
Japan Economic Foundation (Tổ chức kinh tế Nhật Bản) đã nói với tôi:
“Nước Nhật đã gặp nhiều may mắn. Ngay trước cuộc khủng hoảng dầu
hỏa lần thứ nhất vào tháng 9 năm 1973, Nhật Bản đã ở trong tình trạng lạm
phát. Nhiều người Nhật nghĩ rằng cần phải có biện pháp cân bằng lại đồng
yên và phải có bước điều chỉnh về tiền tệ để giới hạn khối lượng tiền tệ và
đấu tranh chống lạm phát. Chúng tôi nghĩ còn có khả năng tiếp tục con
đường truyền thống trong phát triển công nghiệp như thời gian qua, có
nghĩa là ưu tiên tăng sản lượng thép và củng cố công nghiệp đóng tàu. Các
kế hoạch của chúng tôi khi ấy vô cùng to lớn. Chúng tôi đã dự kiến sản
lượng thép phải đạt đến 50 triệu tấn/năm. Và rồi cuộc khủng hoảng dầu hỏa
xảy ra. Điều đó buộc chúng tôi phải thích nghi với tình huống. Giá cả các
sản phẩm năng lượng không ngừng leo thang. Điều đó đã đẩy chúng tôi đến
việc thay đổi định hướng trong cung cấp nguồn năng lượng. Trước đây, theo
truyền thống, năng lượng được cung cấp cho các lĩnh vực tiêu thụ nhiều
năng lượng. Song từ nay, năng lượng sẽ được sử dụng để sản xuất các mặt
hàng tinh vi hơn, đòi hỏi một mức độ hiểu biết và tay nghề cao hơn. Đó là
con đường mà nước Nhật đã dấn thân vào trong những năm 70”.
Tất cả các đối thủ của Nhật đều không biết cách làm như vậy. Makota
Kuroda nói tiếp:
“Trong khoảng 20 năm cuối này, trong những năm 70 và 80, chúng tôi đã
trở nên khá mạnh, chắc chắn là do khả năng thích ứng với tình huống mới
của người Nhật. Người nước khác đã hành động ra sao ? Chúng tôi có thể
so sánh được thôi: cùng thời kỳ này, người Mỹ đã cố tránh việc tăng giá dầu
hỏa bằng cách dập tắt việc tăng giá khí đốt và dầu hỏa trong nước họ. Họ
tìm cách tự cách ly với các yếu tố bên ngoài này. Còn ở Nhật Bản, do đất
nước không có lấy một nguồn năng lượng nào ngoại trừ một lượng than đá
ít ỏi, chúng tôi không còn cách nào khác hơn là phải chấp nhận những áp
lực từ bên ngoài. Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác hơn là phải tìm ra
một con đường mới để phát triển”.
Năm 1979, nước Nhật lại lâm vào cuộc khủng hoảng dầu lửa lần thứ hai
với hai lần tăng vọt giá dầu thô và giữa năm 1979 đầu năm 1980. Chi phí
dầu hỏa của Nhật Bản đã tăng đến 30 tỷ đô la (150 tỷ franc) mỗi năm. Lạm
phát tăng 20% hàng năm. Nhưng, cũng chính từ cuộc khủng hoảng này,
nước Nhật lại đã thoát ra, không những không bị thiệt hại gì lớn mà còn
hùng mạnh hơn trước. Một lần nữa, Nhật Bản đã biết cách thích nghi với
những khó khăn từ môi trường bên ngoài để tiếp tục phát triển.