Con Tườu Ngộ nhảy xuống bãi cát đầu tiên. Mấy ngày đi biển, chắc
nó chồn chân lắm. Vừa chạm đất, nó đã quay lại, phân vân nhìn con thuyền,
rồi nhảy cẫng lên như đứa trẻ. Con cốc cũng rời nóc khoang thuyền, lượn
một vòng hẹp ngang qua đầu Tườu Ngộ, rồi bay vụt lên một cây dương cao
trên bãi. Ông cụ chủ thuyền cùng anh Thành bước về phía những ngôi nhà
lấp ló trong đảo.
Cốc Ri là người xuống cuối cùng. Cô bé nhanh nhẹn thu vén những
dây nhợ, neo thêm một vòng nút quấn giữ thuyền, rồi gọi to:
- Anh Hạnh ơi! Cho cả con khỉ đi theo. Cho nó ngồi coi áo nhé!
Nó có hay... ăn vụng không, hả anh?
- Không đâu! Cứ cho cả nó đi theo. Có xa không?
- Hơn một cây số thôi. Cứ dọc bờ đảo này đi ngược lên đầu trước,
ông em đã dẫn em tới đó rồi.
Nói xong, cô bé vội vã chui vào khoang. Lúi húi trong đó một lúc,
Cốc Ri mới quay ra mang theo một chiếc túi ni lông, vắt dây xách qua bả
vai, chạy theo Hạnh.
Nước biển ở đây mới trong trẻo làm sao. Cốc Ri thấy Hạnh vất cái áo ném
xuống bãi cát, định lội ùm xuống biển, cô bé nói như quát:
- Anh Hạnh định lặn xuống biển tìm bào ngư bằng mắt thường à?
Hạnh ngoái lại:
- Cốc Ri bảo sao?
- Anh bắt sao được bào ngư cơ chứ! - Rồi cô bé bĩu chiếc môi
bé xíu ra, trông thật buồn cười. - Phải đeo kính lặn vào. Dốt ơi là dốt!
Nghe câu mắng mỏ của Cốc Ri, Hạnh bỗng bật cười. Càng ngày, Hạnh
càng thấy Cốc Ri giống như bé Lan ở nhà. Toàn nói giọng người lớn. Có lẽ
lũ con gái thích làm người lớn, nên cái gì cũng bắt chước. Hạnh giơ tay đón
lấy cái kính lặn từ tay Cốc Ri, đeo lên mắt. Cốc Ri khoe:
- Bố em làm cho em hồi trước đấy. Bố em lạ lắm cơ. Cái gì cũng
thích có cả đôi. Nuôi chim cốc, cũng nuôi hai con. Làm cho em kính lặn,
cũng hai chiếc. Thế nên bây giờ anh mới được lặn đấy!