Thỉnh thoảng buồn, chàng lững thững đi bộ lên phố, thơ thẩn ngồi
phệt trên thảm cỏ, cạnh cái cầu con mảnh dẻ sơn đỏ, bắc qua hai bên bờ
xanh rì của dòng suối bạc phau phau. Man mác, chàng ngắm cái cảnh vật
xung quanh lờ mờ như ẩn như hiện, rồi so sánh với cuộc chơi Yên Phụ hồi
nào, thấy bồng lai bây giờ nó quạnh hiu, buồn tẻ lạ.
Hôm Minh toan đoạn tuyệt với gia đình cũ, mà Nhã không gặp, chàng
bèn đến nhà một người bạn là họa sĩ, để nhờ vẽ một bức tả theo ý mình.
Bức vẽ ấy, là phong cảnh vùng Yên Phụ, tơi tả trong gió táp mưa sa. Phía
xa, một trái đồi cao chót vót, trên đỉnh có một nếp đền trắng xóa, xung
quanh là dãy gò đất thấp lô nhô chạy dài, và rặng núi đá cằn, sừng sững soi
gương trên mặt làn nước xanh ngắt. Phía gần, trên bãi cỏ vàng, một người
thiếu phụ ngồi chống nẹ tay trái xuống đất, hai chân duỗi thẳng. Người
thiếu phụ ấy, tức là vai chính của bức họa, Nhã nhờ bạn vẽ đằng lưng, vì
người ấy quay mặt vào trong, lăm đăm, mơ màng nhìn về phía Yên Phụ.
Người thiếu phụ ấy, Nhã dặn kỹ bạn, là một người độ hai mươi ba tuổi,
mình bầu bĩnh, gò má hơi cao một chút, và tóc thì quấn, nhưng không quấn
õng ẹo lối tân thời.
Nhã cho chỉ có bức vẽ ấy mới an ủi nổi chàng, vì lúc nào chàng cũng
được thấy người yêu tưởng nhớ đến cảnh cũ, tình xưa.
Khi bức họa ấy xong, Nhã rất vui sướng, vì nó được y như ý nguyện,
chàng cầm bút, đề ba câu Kiều lẩy mà chàng cho là rất ý nhị:
Nghĩ người ăn gió nằm mưa,
Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng!
Duyên em dù nối chỉ hồng,
Rồi Nhã bình phục, và lại về Hà Nội. Xuân đến thăm anh họ, nàng
ngắm bức vẽ ấy, thì hiểu ý. Thương hại Nhã, nàng hỏi vờ: