- Im, không được khóc, quan truyền thế.
Mọi người không dám thút thít.
Quan bước đến trước huyệt, ngài móc túi lấy mảnh giấy, giơ lên và
đọc.
Nhưng buồn quá, ngài đọc tiếng Pháp. Cho nên, cố nhiên, cả người
chết lẫn người sống, không ai hiểu ngài nói gì.
Người thông minh, bảo đó là ngài đọc đít cua. Người mê tín, bảo đó là
ngài tụng kinh. Những người dốt đặc, còn phải nghe con cháu khấn bằng
chữ Nho, thì biết đâu, ông thủ quỹ chẳng nghe hiểu điếu văn tiếng Pháp?
Đọc xong, ngài lăm đăm đứng lặng, rồi cúi đầu một cái, đoạn lui ra.
Cả nhà tang chủ đổ xô lại, lễ tạ. Rồi ngài lên xe để về huyện. Ngài vẫy thầy
chánh tổng lại gần, dặn nhỏ:
- Này, xe này tôi thuê khứ hồi một đồng, thầy liệu bảo họ trang trải mà
trả nhé.
Rồi tặc lưỡi, ngài nói thêm:
- Mà tiền góp tổ tôm cho tôi hôm qua, thầy cũng nên bảo họ biết, tội gì
mình chịu!
Chuyện này chỉ nhạt có thế. Nhưng hình như nó là chuyện thực. Bởi
nó là chuyện thực, nên ông huyện Lê Thăng phải chịu trách nhiệm về
phương diện nghệ thuật của văn chương.
Song, ta cũng nên phục ông Lê đã khéo nghĩ được những hành vi cho
có vẻ tiểu thuyết. Ông là nhà tiểu thuyết rất tự nhiên và rất có tài.
Bây giờ, ở vùng ông cai trị, người ta còn đợi mua vui bằng nhiều tác
phẩm sống của ông. Nhưng có một điều buồn cho thuộc hạ ông, là không