Sứ mệnh của Amazon: “Trở thành công ty quan tâm đến khách hàng nhất
thế giới, nơi mọi người có thể tìm kiếm và khám phá bất cứ thứ gì họ muốn
mua qua mạng đồng thời nỗ lực mang lại cho khách hàng mức giá thấp nhất
có thể”. Như vậy, dù bạn có quên đi những phần còn lại thì cụm từ “quan
tâm đến khách hàng nhất thế giới” vẫn khiến bạn nhớ mãi.
Sứ mệnh của Zynga đơn giản hơn: “Kết nối thế giới thông qua những trò
chơi”. Nếu uống cà phê ở chuỗi cửa hàng của Philz, bạn có thể hỏi bất kỳ
nhân viên nào về sứ mệnh của công ty và sẽ nhận được câu trả lời như sau:
“Giúp mọi người có một ngày tốt đẹp hơn”.
Sứ mệnh phải ngắn gọn và dễ nhớ. Khi đã đặt ra câu hỏi cho công việc hằng
ngày, sứ mệnh sẽ là điều đầu tiên trong tâm trí giúp bạn tìm thấy câu trả lời.
Để đặt ra sứ mệnh, hãy bắt đầu với công thức thế này:
Chúng tôi [giảm tải những khó khăn/cải thiện cuộc sống] cho [thị trường
tiềm năng] bằng cách [những giải pháp giá trị được đề xuất].
Rồi sau đó chỉnh sửa và tinh giản. Như các bạn thấy trong một số sứ mệnh
ngắn gọn bên trên, chỉ giải pháp thôi là đủ.
Tôi biết, trong quá trình vận hành công ty, các bạn có thể muốn thay đổi thị
trường hay mô hình kinh doanh, nhưng hãy cố gắng giữ nguyên sứ mệnh
trong ít nhất năm năm. Sứ mệnh và Mục tiêu trong mô hình OKRs có một
số điểm chung: đầy khát vọng và dễ nhớ. Điểm khác biệt duy nhất chính là
thời gian. Mục tiêu sẽ theo bạn trong một quý hoặc một năm. Sứ mệnh thì
lâu dài hơn.
Sứ mệnh giúp bạn không đi chệch hướng. Hệ thống OKRs cung cấp những
cột mốc và sự tập trung. Hệ thống OKRs không có sứ mệnh chẳng khác nào
có xăng mà không có xe. Tất cả sẽ trở nên rối rắm, mù mờ và tiềm ẩn nguy
cơ sụp đổ. Khi đã có một sứ mệnh, việc chọn lựa các Mục tiêu cho mỗi quý
sẽ dễ dàng hơn. Bạn không còn phải lựa chọn giữa vô số tình huống khả dĩ.