hiện thực. Chẳng dễ để tìm ra dạng ý tưởng phù hợp, khiến người tiêu dùng
nhìn thấy giá trị của nó, hiểu cách thức tương tác với nó và cảm thấy đủ
hứng thú để chi tiền. Công việc này “khó nhằn” đến mức cần một đội ngũ
hùng hậu thực hiện. Việc đó càng cần thiết hơn khi độ khó của công việc
ngày càng tăng. Đột nhiên bạn phải tìm cách tuyển dụng sao cho đúng
người, hướng họ tập trung vào đúng việc và đảm bảo không ai được quên lý
do kéo họ dấn thân vào công việc này ngay từ đầu, giữa một thế giới vô vàn
những công việc thú vị hơn (và có thu nhập cao hơn).
Các văn nghệ sĩ cũng có những khó khăn riêng nhưng lại chỉ phải quản lý
bản thân. Trong khi ấy, những nhà làm phim hay doanh nhân khởi nghiệp
phải đối mặt với một thách thức lớn hơn rất nhiều. Bằng cách nào đó,
những người này vẫn xoay sở “chiến đấu” dù tỷ lệ thành công rất thấp để
biến ý tưởng thành hình hài cụ thể. Sao họ có thể làm được như vậy, trong
khi rất nhiều người khác chỉ dừng lại ở câu nói “Tôi có một ý tưởng”?
Bảo vệ một ý tưởng không hề quan trọng. Quan trọng là bảo vệ khoảng thời
gian cần thiết để biến ý tưởng thành hiện thực.
Bạn cần một hệ thống giữ cho chính bạn và nhóm của bạn tập trung hướng
về mục tiêu bởi sẽ có vô vàn thứ gây sao lãng có thể xuất hiện.
Hệ thống tôi sử dụng gồm ba phần đơn giản như sau. Thứ nhất, đặt ra
những mục tiêu truyền cảm hứng và có thể đo lường. Thứ hai, đảm bảo bạn
và nhóm luôn đạt được những bước tiến trên hành trình về đích, dù có phải
đối mặt với biết bao bộn bề. Thứ ba, thiết lập nhịp độ công việc sao cho tất
cả các thành viên có trách nhiệm và ghi nhớ mục tiêu cần đạt được.
Mục tiêu truyền cảm hứng và có thể đo lường
Tôi sử dụng hệ thống OKRs để xác định mục tiêu. Tôi sẽ giải thích chi tiết
hơn xuyên suốt cuốn sách này. Tóm lại, đây là một hệ thống bắt nguồn từ
Tập đoàn Intel và được đội ngũ ở Google, Zynga, LinkedIn và General