nói với ông Cậu như vậy.
- Trình Đức cha, sáng nay cảnh sát đã tới một số nơi đề nghị cất cờ, đồng
bào phản ứng rất mạnh. Tình hình ngoài phố rất găng. Ông Cậu đang xin ý
kiến của Phủ tổng thống. Nếu bắt hạ cờ, nhất định Phật tử sẽ biểu tình.
- Mấy thằng tỉnh trưởng, trưởng ty ăn hại à? Lực lượng cảnh sát, an ninh,
dã chiến, vùng chiến thuật để mô? Mới có tí rứa không mần được thì mần
cái chi? Cứ chạy theo mấy thầy trọc đầu, có ngày mất nước. Anh cứ về nói
với ông Út ý kiến của tui.
Hồ Đắc Khương sợ hãi quay về tìm Cẩn. Cẩn cũng đang lo lắng, vì văn
phòng của Cẩn báo cáo, trong Phật tử lan truyền tin cảnh sát xé cờ Phật,
đồng bào rất phấn nộ, cho là chính quyền sắp ra tay đàn áp. Cẩn đã ra lệnh
cho tỉnh trưởng phải dùng xe thông tin thông báo ngay với đồng bào là
không có gì thay đổi, cứ treo cờ như mọi năm.
Khương nói lại với Cẩn những ý kiến của Thục.
Cẩn rầu rĩ:
- Làm như rứa, tui còn mặt mũi nào với mấy thầy bên Từ Đàm.
Hồi lâu, Cẩn nói:
- Vì miềng còn xin hỏi lại ý kiến Phủ tổng thống, cứ tạm để như rứa đã.
Thầy ra ngoài đó, cố thu xếp mọi chuyện cho êm đẹp...
Xẩm tối ngày hôm đó, khá đông đồng bào theo đạo Phật do những thượng
tọa, đại đức dẫn đầu, kéo tới tỉnh đường phản đối lệnh cấm treo cờ và hành
vi xé cờ của cảnh sát, để chuẩn bị cho cuộc rước kiệu và làm lễ Phật Đản ở
chùa Từ Đàm vào ngày hôm sau. Chỉ tới khi tỉnh trưởng đồng ý dùng xe
thông tin gắn máy phóng thanh với những Phật tử ngồi trên, đi thông báo
khắp thành phố lễ Phật Đản sẽ tiến hành bình thường trong ngày mai, các
nhà sư và Phật tử mới chịu giải tán.
Suốt ngày 8, lễ Phật Đản tiến hành không xảy ra chuyện gì, trừ bài thuyết
giảng của thượng tọa Thích Trí Quang trong buổi lễ, tố cáo sự kỳ thị và bất
bình đẳng của chính quyền đối với tôn giáo. Cẩn ngồi nhà cho người theo
dõi, rất buồn phiền vì bài thuyết pháp của thầy Trí Quang, biết rằng nay
mai sẽ phải gánh chịu những búa rìu của hai ông anh, nhưng cũng tạm yên
tâm vì ngày lễ Phật Đản đã trôi qua êm ả.