của Đức cha Lê, trong tình hình hết sức rối ren hiện nay, con có ý nguyện
hy sinh tất thảy để bảo vệ giáo hội và sẵn sàng tuân theo lời dạy của Khâm
sứ và Giáo hoàng La Mã.
Brini gật đầu, rồi bảo:
- Thầy hãy kể cặn kẽ về tình hình ở Huế, về thái độ của tổng thống Diệm,
ông cố vấn Nhu và những tin tức có liên quan đến chế độ hiện thời.
Hai Long biết mọi chuyện đều không qua mắt tòa Khâm sứ, nên báo cáo lại
một số điều anh đã biết.
Brini chăm chú lắng nghe, cuối cùng nói:
- Tổng giám mục Ngô Đình Thục có trách nhiệm lớn về vụ này. Hậu quả sẽ
rất bi thảm cho chế độ Diệm. Giáo hội Việt Nam phải đứng ngoài mới tránh
khỏi vạ lây... Đức cha Lê có trao cho thầy nhiệm vụ đi lại dinh tổng thống,
phải nhớ giữ mình...
Khi Hai Long ra cửa Tòa Khâm thì gặp linh mục François thuộc dòng Thừa
sai, mới từ Pháp qua Nam Vang, vì có vụ Phật giáo nên được phái đi tiếp
sang Sài Gòn tìm hiểu tình hình. De Jaegher đã giới thiệu Hai Long với
François khi linh mục đến dinh Gia Long xin gặp Diệm.
Hai Long hỏi:
- Con vừa vào xin ý kiến của Khâm sứ Tòa thánh về thái độ đối với vụ Phật
giáo. Cha đã gặp tổng thống, ý kiến của tổng thống thế nào?
François nhăn mặt:
- Cha không thể nào khuyến cáo tổng thống hòa giải với Phật giáo, vì ông
cố vấn Ngô Đình Nhu có đủ bằng chứng về việc Mỹ dùng Phật giáo để làm
áp lực với ông Nhu. Ông Nhu luôn luôn nhắc tự lực tự cường, không cần
đến viện trợ Mỹ. Mối bất hòa giữa hai ông Diệm, Nhu và Mỹ rất sâu đậm
và sự rạn nứt không tài nào hàn gắn được...
Cùng thời gian này, linh mục Cao Văn Luận từ Mỹ về báo cáo với Diệm,
Nhu về chuyến công cán. Luận thuật lại những cuộc tiếp xúc với những
nhân vật Mỹ. Nghe xong cả Diệm, Nhu đều nổi nóng. Khi Luận ra về,
Diệm nói:
- Không thể dùng ông này. Ổng đi có giúp được mình cái chi? Có khi còn
nói xấu mình để lấy lòng Mỹ!