của đồng minh cho những binh sĩ đang đổ máu trên chiến trường! Đồng
bào Phật giáo treo cờ ngày Phật đản, tội tình chi mà anh em ông bắn giết?
Người đấu tranh đòi mở rộng dân chủ, tội tình chi mà bị đày vô tù, bị nhục
hình? Quân lực Việt Nam cộng hòa đang bị anh em nhà ông đẩy tới bên bờ
vực thẳm. Chính quyền này đã quá mục ruỗng, quá thối nát, không thể tồn
tại thêm một ngày, một giờ...
Minh Lớn đổ xuống đầu Diệm tất cả những căm hờn chất chứa trong lòng
từ bao lâu nay.
Cuối cùng, Minh Lớn hét vào ống nói:
- Chỉ có đầu hàng! Đầu hàng vô điều kiện. Không có bàn bạc thảo luận gì
hết trơn. Quân đảo chánh bao vây chặt dinh Gia Long và thành Cộng hòa
rồi.
Diệm dằn giọng hỏi lại:
- Quân mô? Vây mô...?
Đúng là tới giờ phút này, chung quanh dinh Gia Long chưa xuất hiện bóng
dáng của quân đảo chính.
Kế hoạch đảo chính lần này do chính quyền tổng tham mưu trưởng Trần
Văn Đôn dự thảo, với sự tham gia của một số tướng dày dạn kinh nghiệm,
nên đã được hoạch định chu đáo đến từng chi tiết nhỏ. Ngay từ giờ đầu,
những lực lượng trung thành với Diệm, Nhu đều bị vô hiệu hóa. Lê Quang
Tung, người cầm đầu lực lượng đặc biệt bị giết. Tôn Thất Đính, viên tướng
trẻ đẹp trai kiêu hùng, người đã được Nhu đặt tất cả niềm hy vọng sẽ lật
ngược thế cờ khi cần thiết bằng kế hoạch phản đảo chính Bravo I, đã ngả
theo Đôn từ đầu tháng 10 mà Nhu không biết. Đính đã ngầm thông báo cho
Đôn kế hoạch phản đảo chính của Nhu, để Đôn vạch ra kế hoạch đảo chính
của mình một cách tỉ mỉ, lấy tên là Bravo II và trao cho Đính thực hiện.
Người chỉ huy đánh chiếm dinh Gia Long và trại lính Cộng hòa lúc này lại
chính là Đính. Huỳnh Văn Cao, tư lệnh Quân đoàn 4 được cả Diệm và Nhu
rất tin, nghe tin đảo chính, trở về sư 7 của mình, thì sư này vừa chuyển sang
tay tướng Nguyễn Hữu Có, người của phe đảo chính. Một số người được
tin cậy khác như Cao Văn Viên, tư lệnh lữ đoàn Dù, bị bắt giữ ngay từ đầu,
Hồ Tấn Quyền, tư lệnh Hải quân, chỉ huy thủy quân lục chiến, trước khi