một số cán binh Việt Cộng mà ta bắt được gần đây, họ không có tham vọng
đánh bại hoàn toàn quân đội viễn chinh Mỹ, nhưng họ sẽ “đánh bại ý chí
xâm lược của đế quốc Mỹ”! Tôi dự liệu họ đang hết sức cố gắng gây nên
một sự kiện vang dội, một trò ngoạn mục trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Ông linh mục này thật đáng sợ.
- Họ có khả năng làm gì ở Nam phần Việt Nam cộng hòa không? – Hai
Long tỏ vẻ lo lắng.
- Ở Nam phần, tôi chia sẻ một phần trách nhiệm với tổng thống Thiệu. Dù
sao, ta cũng đã gây cho họ những thiệt hại, họ khó làm lớn vì ở quá xa hậu
phương. Nhưng hầu như chắc chắn, họ sẽ làm một cái gì đó trên đường số 9
ở Bắc phần. Có thể là một Điện Biên Phủ nhỏ với quân Mỹ. Ông Johnson
đã chỉ thị cho Westmoreland tuyệt đối không để xảy ra một trường hợp như
vậy
- Thưa cha, theo ý muốn của Đức Hồng y Spellman và của cha, một lần nữa
tôi lại gắn mình với một tổng thống, tôi đã trở thành cố vấn của Thiệu, tôi
cần khuyến cáo ông ta điều gì về mặt quân sự lúc này?
Vị linh mục có tinh thần trách nhiệm, không tự cho phép mình trả lời một
cách dễ dãi. Cân nhắc một hồi, ông nói:
- Tôi rất tiếc, cuộc đảo chính năm 1963 đã làm hư toàn bộ công trình ấp
chiến lược. Căn cứ vào tính chất chiến tranh ở Việt Nam, không thể có một
kế hoạch quân sự nào hay hơn kế hoạch đó. Cần phải làm lại từ đầu...
O’Connor trầm ngâm, rồi bỗng hỏi:
- Thầy đánh giá tướng Thiệu ra sao về mặt tinh thần chiến đấu chống
Cộng?
- Không ai nghi ngờ ý thức triệt để chiến đấu chông Cộng của ông Thiệu,
nhưng tôi cảm thấy ông ta quá ỷ lại vào quân đội Mỹ.
- Đó chính là điều đáng lo. Không phải ngay lúc này, giáo sư cần làm cho
ông Thiệu dần dần hiểu vấn đề nội bộ Việt Nam, rút cuộc vẫn phải do
người Việt Nam giải quyết. Quân đội Mỹ không thể ở lại Việt Nam vô thời
hạn.
Hai người ngồi im lặng hồi lâu. Ông linh mục muốn dừng lại ở đó. Hai
Long tỏ vẻ suy tư về cái điều ông mới nói ra lần đầu.