Vậy là trong suốt thời gian vắt sữa cừu, chải rồi xe len, hay nghiền lúa
mạch để làm bánh mì, cô cứ miên man nghĩ về thứ bùa phép đã được ếm, và
về lí do vì sao lại xảy ra việc đó. Phu nhân Coulter chưa bao giờ nói với cô,
nên cô cứ thế mà mặc sức tưởng tượng.
Một ngày nọ, cô lấy vài ổ bánh mì dẹt phết mật ong rồi vượt qua hành
trình dài ba giờ đồng hồ dọc theo con đường mòn tới Cho-Lung-Se, nơi một
tu viện tọa lạc. Nhờ tài nịnh nọt khéo léo và tính nhẫn nại, cùng với việc hối
lộ người gác cửa vài cái bánh mì mật ong, cô bé đã được phép yết kiến vị
lương y vĩ đại Pagdzin tulku
, người vừa mới năm trước đã chặn đứng đợt
bùng phát của cơn sốt trắng, và là một người vô cùng thông thái.
Ama bước vào căn phòng nhỏ của người đàn ông vĩ đại, cúi chào thật
thấp rồi dâng tặng chiếc bánh mật ong còn lại với tất thảy sự khiêm nhường
của mình. Con linh thú dơi của vị thầy tu sà xuống rồi vun vút lao quanh
người cô, khiến linh thú Kulang của cô sợ chết khiếp, nó phải bò vào trốn
trong tóc cô bé, nhưng Ama vẫn cố gắng giữ yên lặng và đứng im cho tới
khi Pagdzin tulku lên tiếng.
“Sao, bé con? Nhanh nào, nhanh nào,” ông nói, bộ râu xám dài của ông
vung vẩy theo từng con chữ.
Trong ánh sáng tờ mờ, bộ râu và đôi mắt sáng rực của ông là hầu hết
những gì cô có thể thấy được. Con dơi đậu lên một thanh xà phía trên đầu
ông, cuối cùng cũng chịu yên vị mà treo người. Thấy vậy, cô bé cất tiếng:
“Xin ngài, Pagdzin tulku, con muốn có được sự thông thái. Con muốn biết
cách tạo ra phép thuật và bùa chú. Ngài có thể dạy con được không ạ?”
“Không,” ông đáp.
Cô đã đoán trước được điều này. “Vậy thì, ngài có thể cho con biết chỉ
một phương thuốc được không ạ?” Cô khúm núm hỏi.
“Có thể. Nhưng ta sẽ không cho con biết nó là gì đâu. Ta có thể cho con
thuốc, nhưng không phải là tiết lộ bí mật.”
“Được ạ, cảm ơn ngài, thật là may mắn quá,” cô bé nói, cúi người vài
lần.
“Bệnh gì vậy, ai bị mắc thế?” Ông già hỏi.