"quyết định từ Philippines tiến thẳng đến Okinawa mà không đổ bộ lên lục
địa châu Á", và một lần nữa Đông Dương lại chỉ có vị trí thứ yếu trong
hoạch địch kế hoạch thời chiến. Dẫu vậy, nhà sử học Stein Tonnesson đã
kết luận rằng cuộc đổ bộ đã được đề xuất có những kết quả dài hạn quan
trọng: "bằng cách làm tăng hy vọng của Pháp và Nhật vào một cuộc tấn
công của Mỹ, Roosevelt, Wedemeyer và OSS đã thúc đẩy một cuộc xung
đột giữa Pháp và Nhật, qua đó mở đường cho cách mạng".
Tuy thế, khả năng nổ ra một cuộc cách mạng vẫn chưa xuất hiện trong đầu
thực dân Pháp hồi đầu năm 1945. Được những thắng lợi của Đồng Minh cả
ở châu Âu và khu vực Thái Bình Dương khích lệ, người Pháp ở Đông
Dương đã dự đoán phe Trục sẽ thất bại trong vòng vài tháng nữa; và đến
đầu năm 1945 Kháng chiến Pháp dần trở nên công khai hơn trong thái độ
chống phe Trục. Nhà cầm quyền Nhật không mù về điều đó, và dù cho
những hoạt động của Kháng chiến Pháp không gây ra đảo chính nhưng rõ
ràng đã đổ thêm dầu vào lửa. Nhật đã thể hiện dứt khoát thái độ không hài
lòng với người Pháp, không khác với các thành viên trong mạng lưới của
Lan và các điệp viên GBT - những người đã "che giấu phi công Mỹ bị bắn
rơi tại Đông Dương và từ chối trao họ cho Nhật trừ phi được bảo đảm
chính thức rằng những tù binh này sẽ được đối xử theo Công ước Geneva.
Nhật không đưa ra bảo đảm và Pháp không giao nộp những người Mỹ". Sự
bực tức của Nhật leo thang khi Pháp đổ lỗi cho Nhật gây ra "nhiều thương
vong" cho người Pháp sau vụ 30 máy bay B29 của Mỹ ném bom Sài Gòn.
Ngày 2 tháng 2 quyết định tiến hành đảo chính và những kế hoạch liên
quan được chuyển lên Hoàng đế Hirohito, nhưng thời gian chính xác cho
việc nắm quyền vẫn chưa được ấn định. "Quân đội Nhật theo thông lệ bắt
đầu những hoạt động vào những ngày lịch sử nào đó", Louis Allen viết,
"ngày 8 tháng 3 là Lễ công bố Huấn lệnh của Nhật Hoàng, 10 tháng 3 là
ngày kỷ niệm các chiến sĩ trận vong. Mùng 9 tháng 3 tránh được cả hai
ngày lễ đó".