trong những lá thư đầu tiên gửi Fenn ông nhận xét rằng cả hai đều thích
nghi khá tốt. Công việc của Tan tại Bắc Kỳ nhanh chóng trở nên cực kỳ
quan trọng. Khi ở đó, Tan đã tham gia "thu thập tin tình báo về Nhật đồng
thời (hợp tác với AGAS) mở rộng mạng lưới lẩn tránh và trốn thoát. Ông
cũng tìm kiếm những người Mỹ nào đó đang lẩn trốn tại tam giác Tuyên
Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn - tất cả đều nằm trong trọng tầm hoạt động
chống Nhật của Hồ Chí Minh".
Trong những tháng làm việc bên nhau, Hồ Chí Minh và Tan đã có một tình
bạn đặc biệt thân thiết. Với học vấn uyên bác và cá tính Mỹ, Tan nhìn bề
ngoài có vẻ rất khác so với người bạn chiến đấu Việt Nam nhiều tuổi hơn.
Nhưng họ sớm nhận ra rằng họ có nhiều điểm chung. Cả hai đều đã trải qua
sự phân biệt đối xử tại quê nhà - Hồ Chí Minh dưới ách thống trị của Pháp
và Tan là người Hoa lớn lên trong khu vực toàn "người da trắng" tại
Boston. Tan nhớ lại những ngày đầu tại Boston: "Tôi sớm cảm nhận được
rằng luôn luôn có một rào cản, luôn luôn có cảm giác rằng chúng tôi bị
phân biệt đối xử so với người da trắng". Và cả hai đều phải trải qua tình
trạng thiếu thốn tình cảm. Không lâu trước khi rời Trung Quốc tới Việt
Bắc, Tan đã bị cô thư ký trẻ đẹp của Gordon hắt hủi.
Thất vọng và tổn thương, Tan giãi bày với Hồ Chí Minh, người về phần
mình đã kể cho Tan về nỗi luyến tiếc của chính ông vì phải chia tay một
thiếu nữ mà ông rất mến khi rời Việt Nam đi tìm đường cứu nước. "Trong
suốt 4 tháng Mac Shin và tôi ở trong rừng rậm với ông Hồ, ông Giáp và đội
quân của họ", Tan nhớ lại, "một tình bạn đã nảy nở giữa tất cả chúng tôi".
Tan cũng phản ánh tình cảm nảy sinh giữa Shin và Hồ Chí Minh. "Đối với
một người trẻ và trông trẻ hơn như Mac, Hồ Chí Minh coi anh như con trai