tới gặp ông tại phòng của ông ở khách sạn Continental. Hai người tán gẫu,
và đến khi ra về, Ẩn bất chợt nói rằng nếu Pomonti muốn khám phá một
khu vực của Việt Cộng, ông có thể đi theo đường xuống Mỹ Tho (cách Sài
Gòn chừng sáu mươi cây số về phía nam), khi gần đến Mỹ Tho, rê qua
đường về phà Mỹ Thuận, và trước khi tới bến phà, thì dừng chân ở một
ngôi làng có tên gọi Mỹ Quý. Rồi Ẩn nói, “Người ta bảo rằng từ đó thì có
thể vào [khu vực của Việt Cộng]”. Ngày hôm sau, Pomonti cho biết nhóm
của ông đã tới được “vùng giải phóng của Việt Cộng”, nơi ông được chào
đón với băng rôn mang dòng chữ, CHÀO MỪNG CÁC NHÀ BÁO QUỐC
TẾ. Pomonti ở hai ngày trong “vùng giải phóng” và được xem một buổi
diễn văn nghệ.
“Tôi giúp đỡ Pomonti trong lần thứ hai là để bù đắp cho việc đã không
nói gì trong lần đầu”, Ẩn giải thích. “Tôi đã cứu tờ Time khỏi tình huống bẽ
bàng, nhưng nếu tôi khuyến cáo Pomonti nữa thì sẽ không còn ai tới nghe
câu chuyện ngụy tạo, thế là vỏ bọc của tôi sẽ bị lột ngay”.
Ẩn đã nói với bà Nguyễn Thị Ngọc Hải, người Việt Nam viết hồi ký
cho ông, rằng: “Cuộc sống người ta một nghề, mình hai nghề, một nghề đi
theo cách mạng, một nghề bám ở đây, để tự túc lâu dài, nghề báo không bao
giờ rảnh. Hai nghề này rất mâu thuẫn nhau, nhưng lại giống nhau. Một đằng
lấy được tin tức gì phân tích ra sao giấu đi như mèo giấu cứt là tình báo.
Đằng khác thì lấy được tin gì, phân tích ra sao thì đăng toạc móng heo lên
báo, phát thanh lên đài! Đó là làm nghề báo chí”. (41)
TẤT CẢ NHỮNG KỸ NĂNG VÀ TÀI NĂNG NÀY đã tự hiển lộ
trong cuộc đời gần như là phản thân của Ẩn trong giai đoạn xảy ra cuộc
Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. “Chúng tôi dùng xuồng máy chạy lên
chạy xuống dọc sông Sài Gòn để tìm vị trí các kho xăng dầu và trạm an
ninh”, Tư Cang kể. Sau này, Ẩn đã mô tả rằng hành động đó “khá nguy
hiểm, nguy hiểm không cần thiết”. (42) Họ còn lái chiếc Renault màu xanh
của Ẩn chạy loanh quanh Sài Gòn để định vị các mục tiêu dễ tấn công nhất,
và Ẩn hướng dẫn cách né các hệ thống bảo vệ an ninh. Trong thời gian ở
cùng nhau, Tư Cang thông báo cho Ẩn biết ông đã được trao huân chương
vì có công lao trong trận Ấp Bắc. “Tôi không bao giờ có thể đeo tấm huân