Ông Dũng phổ biến các chỉ thị của Bộ Chính trị cho bộ tư lệnh mới
thành lập của Chiến dịch 275(*) để giải phóng miền Nam. Các điệp viên ở
Sài Gòn đã báo cáo chi tiết về cuộc họp tại Dinh Độc Lập giữa Tổng thống
Thiệu với các tư lệnh quân đội và các vùng chiến thuật cách đấy non hai
tháng(5). Không ai trong phòng họp hôm đó biết rằng ông Dũng có một
điệp viên dự cuộc họp bàn về các mục tiêu chiến tranh của Cộng sản trong
năm 1975 này. Trong vòng hai tuần, một báo cáo chi tiết về cuộc họp chiến
lược hôm đó đã tới tay ông Dũng, người bấy giờ đã biết rõ tư duy chiến
lược của Thiệu và các tư lệnh của ông ta nhằm đối phó với cái mà họ cho là
kế hoạch chiến tranh của chính ông Dũng, ông Thiệu tin rằng do Cộng sản
chịu thương vong nặng nề trong năm 1968 và 1972, quân Bắc Việt giờ chỉ
đủ khả năng đánh vào các thị xã nhỏ bé và biệt lập. Trong khi dự báo vùng
Đồng bằng sông Cửu Long và Cao nguyên Trung phần có thể bị tấn công,
thì quyết định đưa ra vẫn là không củng cố sức mạnh cho vùng Cao nguyên
Trung phần. “Tôi có các nguồn tin tốt tại cuộc họp đó, và họ nói với tôi về
đánh giá của ông Thiệu” ông Ẩn giải thích. “Tôi nhận được thông tin từ ít
nhất hai người và ngay lập tức thảo báo cáo”.
______________________
(*) Là mật danh của Chiến dịch Tây Nguyên, mở màn cho cuộc Tổng
tấn công mùa Xuân năm 1975
______________________
Hoạt động của Ẩn trong giai đoạn này, đặc biệt nhất là những đóng
góp trước Chiến dịch 275, giúp mang về cho ông Huân chương Chiến công
cuối cùng. “Chuyện hồi trước thì tôi không được biết, chứ trong thời gian
tôi làm cụm trưởng, những năm 72, 73, 74, mỗi năm Mỹ có tài liệu chiến
lược gì quan trọng đều bị Hai Trung lấy tuốt luốt hết ráo”, ông Ba Minh, chỉ
huy trực tiếp của Ẩn trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến, nói.(6)
Tháng 10 năm 1974, Quân ủy Trung ương họp với Bộ Chính trị tại Hà
Nội để đánh giá về khả năng kết thúc chiến tranh. Câu hỏi then chốt theo