T
ôi gặp Phạm Xuân Ẩn lần đầu tiên vào tháng 7 năm 2001 tại nhà hàng
hải sản Song Ngư, nằm trên con phố Sương Nguyệt Anh nhộn nhịp của Sài
Gòn. Tôi được người bạn là Giáo sư James Reckner, Giám đốc Trung tâm
Việt Nam tại Đại học Công nghệ Texas, mời tới dự bữa tối. Khoảng chừng
hai mươi thực khách ngồi quanh một chiếc bàn dài và khá hẹp, vì thế tôi chỉ
có thể nói chuyện với người bên phải hoặc người bên trái hoặc vị khách đối
diện. Tôi không nói được tiếng Việt, còn hai vị học giả ngồi hai bên tôi
cũng chẳng biết tiếng Anh. Chiếc ghế trống duy nhất của bàn tiệc nằm ở
phía đối diện tôi.
Khi bắt đầu cảm thấy bữa tối hôm nay sẽ dài lê thê thì tôi nhận thấy
mọi người quanh bàn đều đứng dậy để chào một quý ông gầy gò đang bước
vào. Tôi đoán chừng ông ta gần bảy mươi tuổi, trông toát lên vẻ khiêm tốn.
Tôi chợt nghe tiếng Jim nói: “Xin chào Tướng Ẩn, rất vui khi ông đến dự
với chúng tôi”. Một thoáng sau chúng tôi đã ngồi đối diện nhau. Nghe vị
tướng đáp lời Jim bằng tiếng Anh, tôi vội giới thiệu mình là giáo sư Đại học
California ở Davis. Đôi mắt Phạm Xuân Ẩn ánh lên. “Ồ, ông đến từ
California! Tôi từng sống ở đấy và học tại Costa Mesa. Đấy là quãng thời
gian tuyệt nhất của đời tôi”.
Trong suốt hai giờ sau đó, ông Ẩn và tôi đã trao đổi rất nhiều chuyện,
bắt đầu là khoảng thời gian hai năm của ông ở Trường Orange Coast, học
chuyên ngành báo chí; rồi thời gian ông đi xuyên qua lòng nước Mỹ; và tất
cả những gì ông đã học được từ người Mỹ cũng như lòng ngưỡng mộ của
ông đối với người Mỹ. Ẩn kể với tôi rằng ông từng tới Davis trong thời gian
tập sự tại báo Sacramento Bee. Ông kể về lòng tốt của chủ bút Eleanor
McClatchy, và còn đề cập tới lần được gặp Thống đốc bang California, ngài
Edmund G. “Pat” Brown, khi dự buổi họp báo dành cho biên tập viên các
báo của trường đại học ở Sacramento.
Trông Ẩn ngời lên vẻ tự hào khi kể rằng người con trai lớn của ông,
Phạm Xuân Hoàng Ân, gọi theo tiếng Anh là Ân Phạm, cũng từng học báo
chí tại Đại học North Carolina ở Chapel Hill và mới đây đả tốt nghiệp
Trường Luật Đại học Duke.