thương. Anson cho rằng chẳng bao lâu nữa đám lính kia sẽ trở lại để kết
thúc cuộc tàn sát.
Anson và Allman cố gắng chất thật nhiều người bị thương lên xe rồi
phóng về Phnom Penh. Bệnh viện Pháp ở đấy tiếp nhận các nạn nhân trẻ
em. Allman ở lại với lũ trẻ và hứa rằng sẽ trở lại Takeo ngay khi các bệnh
nhi có dấu hiệu hồi phục. Anson thì trở về khách sạn để kiếm các nhà báo
khác. “Ở dưới Takeo, người ta đang bắn người Việt. Hãy kêu mấy người
khác cùng đi” , anh hét lên giữa đám đông các nhà báo.
Henry Kamm của báo New York Times và Kevin Buckley của tờ
Newsweek chở Anson quay lại Takeo; khi họ tới nơi thì đám lính
Campuchia cũng đã trở lại. “Chúng tao chẳng có gì phải che giấu cá”, một
người có vẻ như là cầm đầu đám lính nói. “Chúng tao phải làm thế. Tất cả
bọn chúng đều là Việt Cộng”.(19) Khi Anson hỏi ở quanh đấy có bệnh viện
nào không, anh đã nhận được câu trả lời, “Có đấy, nhưng không dành cho lũ
rác rưởi này”. Anson yêu cầu chấm dứt tàn sát trẻ em vô tội. Những người
Campuchia cười lớn, bảo rằng họ chỉ giết Việt Cộng thôi.(20)
Trời tối dần. Lúc này Allman đã lái chiếc Cortina trở lại và bắt đầu
chất người bị thương lên xe, nhiều phóng viên khác cũng trở lại để đưa tin.
Anson năn nỉ từng người giúp đưa các trẻ em tới Phnom Penh. “Cậu không
được can thiệp vào nội dung câu chuyện”, Keyes Beech, một phóng viên
khả kính của tờ Chicago Daily News và là người từng nhận giải Pulitzer về
phóng sự quốc tế vào năm 1951, đáp. “Nếu đưa những người này đi là cậu
đã can dự vào vụ việc rồi. Đấy không phải là công việc của cậu”.
Anson chẳng thể kiếm ra người trợ giúp, cho tới khi Kevin Buckley
tiến lên và nói, “Để tôi giúp”. Anh này là người duy nhất ra tay. “Những
phóng viên khác nhìn chúng tôi một chốc, rồi từng người rời đi”, Anson
nhớ lại. Buckley, Anson và Allman nhét năm đứa trẻ và ba người lớn vào
chiếc Cortina. Allman chở họ về bệnh viện và hứa sẽ trở lại trước lúc tảng
sáng. Vẫn còn người sống sót ở đây và Anson biết rằng để họ lại một mình
là không an toàn. Họ cần nhân chứng và sự bảo vệ. Kevin Buckley quyết
định ở lại với Anson bởi “đã thương thì thương cho chót”.(21)