rằng đây chính là người Mỹ đã cứu trẻ em người Việt ở Takeo. Ẩn đã chấp
nhận đối mặt với rủi ro lớn, bởi nếu như bà Ba hoặc bất cứ ai trong đội ngũ
giao liên bị bắt, vỏ bọc của ông sẽ bị lộ ngay tức thì.
Việc Ẩn đưa ra đề nghị này cho thấy ông đã tự thấy được giá trị của
mình trong vai trò là một sĩ quan điệp báo. Trong cuộc tổng tấn công Tết
Mậu Thân năm 1968, thượng cấp trực tiếp của ông là Tư Cang, người mới
được đưa vào Sài Gòn để làm việc cùng Ẩn nhằm xác định các lộ trình xâm
nhập vào thành phố, đã thông báo rằng ông vừa được trao huân chương đặc
biệt vì những đóng góp trong chiến thắng Ấp Bắc vào năm 1963 và những
báo cáo của ông được cấp trên đánh giá cao. Chính Tư Cang là người đã
viết đơn đề nghị tặng thưởng cho Ẩn. Ẩn đã giải thích với tôi, “Ông biết
đấy, lần đầu tiên tôi nhận được phản hồi về các báo cáo của mình là lúc
ông Tư Cang kể với tôi về huân chương liên quan đến Ấp Bắc. Tôi biết
mình sẽ không có cơ hội đeo tấm huân chương đó cho đến khi cuộc chiến
kết thúc, nhưng ngay lúc ấy tôi muốn tận dụng giá trị của nó” . (33)
Ngày hôm sau, ông Ẩn dắt chú chó bẹc giê Đức tới chợ chim kiểng Sài
Gòn. Ông nổi tiếng là người chơi chim kiểng và huấn luyện chó giỏi nhất
Sài Gòn, và những con thú cưng này đã tạo ra một vỏ bọc tuyệt vời cho nhà
tình báo. Ông thậm chí còn huấn luyện con chó chạy tới đái đúng vào cái
cây được dùng làm hộp thư chết trong những lần trao đổi tin tức. Những lúc
Ẩn bỗng nhiên biến mất một vài ngày thì ai cũng nghĩ rằng ông tới chợ
chim kiểng hay đi huấn luyện hoặc mua chó.
Khu chợ luôn tấp nập, bán đủ thứ từ khỉ, cầy hương, mèo rừng, thỏ,
chó, mèo, cá và đủ thứ chim, ông Ẩn xem kỹ mấy chú cu cu châu Phi, bồ
câu Pháp, sơn ca, gà lôi và chim yến. Biết rằng bà Ba sắp đến nên ông Ẩn
đứng đợi ở quầy bán dơi. Một lát sau, bà Ba tới và hai người bắt đầu trò
chuyện; họ nói về cách lấy tiết dơi pha với rượu đế để trị bệnh lao. Ẩn chỉ
dẫn tỉ mỉ cho người quen của ông cách cắt cổ con dơi, lấy tiết để pha chế
thuốc.(34)