Trong lúc trò chuyện, ông Ẩn thỉnh thoảng mời bà Ba chút đồ ăn; bà
Ba có vẻ như muốn để dành mang về bởi bà khỏng thể ăn hết tất cả số nem
cuốn gói trong giấy trắng này. Bà Ba cám ơn và cũng mời lại ông một vài
thứ. Rồi hai người chia tay - ông Ẩn trở về tòa soạn Time còn bà Nguyễn
Thị Ba xuống Củ Chi, một vùng đất ngoại vi Sài Gòn, nơi có một mạng
lưới tinh vi đang chờ những miếng nem của bà. Trong bọc tài liệu, ông Ẩn
còn ghi thời gian và địa điểm cho cuộc gặp kế tiếp. Bà Ba kể với tôi rằng
“mỗi tháng chúng tôi chọn một cuộc hẹn chính và hai cuộc gặp phụ, thường
cách nhau mười ngày. Thường thì mọi thứ được định trước cho các ngày 10,
20 và 30 hàng tháng, nhưng mỗi tháng lại thay đổi nên không bao giờ có
một khuôn mẩu nào. Nếu có chuyện khẩn cấp, tôi sẽ tới trường học đứng
đợi cho tới khi ông ấy đưa bọn trẻ tới học. Không cần chào hỏi gì, chỉ cần
thấy bóng tôi là ông ấy biết trên đang cần thông tin gấp, rồi sau đó ông ấy
sẽ liên lạc với cơ sở”.
Thường thì bà Ba chỉ cần mang gói tài liệu của ông Ẩn tới Hóc Môn,
khoảng nửa đường tới Củ Chi, rồi giao cho liên lạc viên khác. “Tôi chỉ tới
Củ Chi một vài lần”, bà kể. Bà Ba và ông Ẩn không có kiểu liên lạc nào
khác; không điện thoại, không vô tuyến sóng ngắn, không thư từ. Thời đó,
bà Ba chưa biết chữ và cũng không biết ông Ẩn sống ở đâu. Họ thực sự là
một trong những nhóm tình báo kỳ lạ nhất và hiệu quả nhất trong lịch sử.
Hành trình đến Củ Chi, cách Sài Gòn khoảng ba chục cây số về phía
tây bắc, là cực kỳ nguy hiểm bởi quân Mỹ ở đây rất dày đặc với nhiều trạm
kiểm soát. Dưới mặt đất là hệ thống đường hầm hình mạng nhện nối các
làng xã, quận huyện với nhau và kéo dài từ Sài Gòn tới tận biên giới
Campuchia. Hệ thống địa đạo này ban đầu được lực lượng Việt Minh đào
làm nơi trú ẩn trong các trận đánh với quân Pháp, đến giữa thập niên 1960,
Củ Chi trở thành một hệ thống tự túc liên hoàn với đầy đủ các cơ sở như
khu dân cư, nhà kho, xưởng vũ khí, bệnh xá và sở chỉ huy quân báo.