Phan Châu Trinh nói:
- Em nó đã nói giao hết quyền cho anh thì anh cứ việc sử dụng sao cho hiệu
quả nhất. Nhưng theo tôi, sau khi tôi đọc xong, anh nên cho in khoảng vài
ngàn bản. Chúng tôi chỉ giữ chừng hơn trăm bản, bí mật đưa về phổ biến
trong nước. Tiền bán sách và số tiền dôi dư, anh cứ giữ mà lo cho tờ Le
Paria.
Phan Châu Trinh quay sang Nguyễn An Ninh, nói tiếp:
- Cậu tin quyển này con viết được và cũng biết con viết những gì…
Nguyễn Thế Truyền phấn khởi nói vui:
- Cụ phó bảng giống như người xưa ngửi mùi binh đao biết là Tam Quốc
chí, ngửi mùi son phấn biết là Hồng lâu mộng…
Phan Châu Trinh cũng thấy mình như trẻ lại, nói:
- Sống tới tuổi tôi, anh sẽ biết. Gần mấy anh, chơi với mấy anh mà không
không biết tâm tính các anh thì tôi đâu có còn là tôi. – Phan Châu Trinh
nhịp nhịp tập bản thảo, nói tiếp: - Mấy anh em ở tạp chí Europe hay hỏi
thăm con hoài. Con nên sắp xếp thời gian đến thăm và nhờ họ đăng tải nội
dung này. Thời buổi bây giờ, mình không biết lợi dụng diễn đàn công khai
để truyền bá, tuyên bố tư tưởng, ý nguyện của mình là thất sách.
Nguyễn Thế Truyền vui như chưa có lúc nào vui bằng, ở lại với Phan Châu
Trinh và Nguyễn An Ninh mấy ngày liền để bàn bạc việc in ấn, phát hành
quyển "Nước Pháp ở Đông Dương", việc nhờ anh em thủy thủ chuyển sách
về nước, việc vực dậy tờ Le Paria… và thực hiện kế hoạch đưa Phan Châu
Trinh đi nhiều nơi để cám ơn một số quan chức cao cấp của Pháp, gặp gỡ
sinh viên Annam và bà con An nam cùng bạn bè Pháp để chia tay, kể cả
những việc sắp tới ở quê nhà khi Phan Châu Trinh đặt chân lên cảng Sài
Gòn…
Những ngày còn lại trên đất Pháp, Phan Châu Trinh thấy người khoẻ hẳn,
một phần vì khí trời đã ấm áp trở lại, một phần là biết chắc mình sắp được
trở về quê nhà. Theo kế hoạch, Nguyễn An Ninh đưa ông đi hết nơi này
đến nơi khác. Buổi họp chia tay nào, anh em yêu cầu diễn thuyết thì Phan
Châu Trinh sẵn lòng, nhưng phần cuối bao giờ ông cũng giới thiệu Nguyễn
An Ninh nói chuyện, chủ yếu là lên án hành dộng khủng bố tờ báo La