cho Ninh được cả. Làm báo tôi không rành, nhất là báo tiếng Pháp. Tôi
nghĩ ra chuyện này bàn với anh và Ninh thử sao ?
Phan Châu Trinh lim dim đôi mắt như muốn tập trung trí lực để giải quyết
những vấn đề mà bạn sắp đặt ra.
Huỳnh Thúc Kháng nói:
- Làm quan chắc chắn là tôi không làm. Bây giờ tôi định ứng cử vào Viện
Dân biểu Trung kỳ đợt này. Với tên tuổi của tôi, tôi tin mình đậu là cái
chắc. Và từ diễn đàn nghị viện, tôi đấu tranh cho nhân quyền, dân quyền.
Bên cạnh đó, tôi sẽ nghiên cứu ra một tờ báo để chuyển tải những suy nghĩ
của anh em mình.
- Cách đó cũng hay. – Phan Châu Trinh nhìn sang Nguyễn An Ninh. – Con
thấy kế hoạch của cụ Minh Viên thế nào ?
- Thưa cậu, có tiếng nói ở nghị viện không phải là điều dở. Ý kiến này cũng
giúp cho suy nghĩ về những ngày tháng tới cho mình. Riêng việc làm báo,
thì con hoàn toàn ủng hộ cụ nghè. Nói như cậu, đông tay vỗ nên kêu. Con
nghĩ, lập được tờ báo cũng là lập được một lực lượng ủng hộ mình. Uy tín
của cụ nghè đây với quốc dân, con tin tờ báo ấy sẽ không bị chết yểu.
Phan Châu Trinh cười vui với gương mặt rạng rỡ, nói:
- Anh thấy lớp trẻ bây giờ sáng dạ chưa ? Tôi chỉ góp anh như thế này. Việc
gì mình thấy có lợi cho dân cho nước thì mạnh dạn làm và phải luôn tỉnh
táo, lắng nghe ý kiến của lớp trẻ. Lớp trẻ mà ủng hộ thì anh biết việc đó sẽ
thành công.
Sáng hôm sau, Huỳnh Thúc Kháng chào từ biệt người bạn hiền đã nhiều
năm xa cách và có những lời gửi gắm với gia đình ông Nguyễn An
Khương.
Cuộc sống của Phan Châu Trinh lại tiếp tục như bao ngày qua, và ông lại
không mấy bằng lòng. Khi màn đêm thực sự kéo về, tiếng côn trùng râm
ran đây đó, Phan Châu Trinh nhờ người gọi Nguyễn An Ninh đến.
- Mấy ngày nay, cậu thấy khoẻ nhiều và muốn làm việc. Con coi lại kế
hoạch rồi sắp xếp cho cậu làm việc, chứ kiểu này mãi thì cậu về Quảng
Nam thôi.
Nguyễn An Ninh biết những lời ông nói là thật, nên nói: