Năm trước, ông đỗ cử nhân, anh ông cũng vui như vậy nhưng chưa đến độ
đứng không vững, ngồi không yên như những ngày này. Thương quá !
Mọi việc đâu vào đó. Màn đêm trở về trả lại sự yên tĩnh cho xóm làng, ông
vui với vợ và đứa con trai đầu lòng một chốc, rồi cầm lấy tay vợ xem mạch,
nói:
- Mạch này chắc là con gái mình ạ. Có nếp có tẻ rứa là mừng. Nhưng trai
gái gì cũng quý, mình cố gắng dạy dỗ con nên người.
- Thầy hắn nói…
- Không phải tôi nói mà cuộc đời đã dạy tôi vậy. Anh hai (Phan Văn Cừ) có
tốt thế nào đi nữa mà chị hai không thương yêu tôi như con thì tôi không có
được ngày nay đâu. Theo tôi, lời răn dạy của người phụ nữ có tác dụng rất
lớn đối với những đứa trẻ.
- Em biết rồi…
Định nói thêm đôi lời với vợ, thì thằng con làm nũng, nên ông đành để cho
vợ dỗ con. Ông bước lên nhà trên thắp mấy nén nhang rồi ngồi yên một
mình trước bàn thờ gia tiên.
Trong làn khói trầm nghi ngút, ông nghĩ rất lung. Ông nhớ tới cha tới mẹ,
nhớ tấm lòng của vợ chồng người anh cả cùng bà con họ hàng, chòm xóm,
nhớ tới những chú những bác đã không ngại nắng mưa, khuya sớm dạy cho
ông những đường quyền ngọn cước…
Nhớ… Nhớ…
Mình phải làm gì, nên làm gì ? Câu hỏi ấy cứ như vây lấy ông và nước mắt
cứ chảy ra…
Cái chết của cha, ông không thể nào quên. Nhưng thù ai ? Trách ông
Hường Hiệu (Nguyễn Duy Hiệu) ư ? Có trách cũng rồi. Những người như
ông ta chỉ là thứ quân tử Tàu, sẵn sàng chấp nhận cái chết chỉ cần để lại
chút danh thơm không xấu mặt với tổ tiên, chứ không hề suy nghĩ tìm một
chiến lược lâu dài. Thân phụ ông cũng vậy. Họ chỉ là những… anh hùng
Lương Sơn Bạc. Khi các sơn phòng bị quân triều đình đánh úp, lẽ ra với vai
trò Hội chủ được nghĩa dân, nghĩa sĩ tin cậy thì ông phải có kế sách gì hay
hơn việc khuyên Phan Bá Phiến nên hi sinh trước, còn ông sẽ ra nộp mình
cho quân triều đình bắt.