tôi không hề chủ trương bạo động và không thích bạo động.
Thêm một lần nữa, những chàng trai trẻ xứ Quảng phải chia nhau từng tốp
theo chân những nhân sĩ trí thức Bắc hà. Nhưng lần này họ biết khó khăn
đến với họ gấp vạn lần chứ không như lần ra Hà Nội.
Và như dự đoán, trường Đông Kinh nghĩa thục bị đóng cửa, Đăng cổ tùng
báo của Babut bị thu hồi giấy phép, Phan Châu Trinh bị bắt về Huế giam ở
nhà lao Hộ Thành, chờ ngày nghị tội.
Ngày ông bị bắt, Babut chứng kiến từ đầu tới cuối. Việc này, Babut đã nói
trước với ông, nhưng động viên ông hãy yên tâm, tin vào công lý. Babut
cho ông biết đã báo rõ tình hình của ông với hội Nhân quyền bên Pháp và
vận động hội tích cực can thiệp.
Biết là biết vậy, chứ khi đưa về Huế và đứng trước bọn quan Nam triều,
Phan Châu Trinh không tin mình còn sống. Người bạn thân của ông là Trần
Quý Cáp đã chấp nhận cái chết oan uổng, thì lẽ nào ông lại sợ ? Và có gì để
sợ ? Việc làm của ông, vua quan Nam triều không thích, thực dân không
thích, chứ dân chúng đâu đâu cũng đồng tình ủng hộ. Các cơ sở của phong
trào bị đập phá, những người tham gia phong trào bị bắt giam, nhưng ông
vững tin tinh thần của phong trào sẽ sống mãi. Dù thời gian thực hành của
phong trào không dài, song người dân quê ông và một số nơi khác đã bước
đầu ý thức được mình là ai, và làm thế nào để tăng hiểu biết, tăng nguồn
thu nhập…
Khi nghe án trảm quyết (chém ngay), Phan Châu Trinh nhìn khắp những
người có mặt ở phòng nghị án với nụ cười bình thản.