- Đưa đi !
Việc gì đến phải đến !
Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu, và Phan Châu Trinh lê người theo họ.
Bước ra khỏi nhà giam, gió trời lồng lộng, Phan Châu Trinh cảm thấy sảng
khoái, hít lấy hít để như kẻ đang khát nước gặp phải dòng sông.
Đi một quãng khá xa, hai lá phổi của Phan Châu Trinh như đã được đầy khí
thở và ông ngước nhìn bầu trời đêm vô tư vô lự. Ngôi sao mai sáng lấp lánh
trên nền trời đen thẳm như đang động viên ông vững bước lên đường.
Vâng, có gì mà không vững. Khi từ quan để lao con vào đường mà ông
thấy có ích cũng đồng nghĩa với chọn lựa giây phút này rồi. Trời đêm nhờ
nhờ, nhưng lúc này cặp mắt của Phan Châu Trinh cũng nhìn được khá rõ
cảnh vật xung quanh và ông đã nhận ra nơi ông đang tiến tới là phía cửa
Nam chứ không phải cửa Bắc. Thời gian làm quan ở Huế, ông biết khá rõ
rằng, theo lệ, phàm tù trọng tội xử tử đều được dẫn ra cửa Bắc (cửa An
Hòa), nên thấy bị dẫn theo hướng cửa Nam, ông lấy làm lạ.
- Tại sao các anh dẫn tôi đi cửa này ?
Người đội vẫn đi phía trước, không thèm ngoảnh lại, trả lời:
- Ông thích đi cửa Bắc lắm à ?
Phan Châu Trinh cười vui, nói:
- Đi cửa Bắc cũng có cái thú chứ sao.
Người đội gắt:
- Thôi đi cha. Phúc tám đời nhà ông đấy. Án của ông nghe nói là "xử tử
phát Côn Lôn ngộ xá bất nguyên" (Án xử chết, nay đày đi Côn Đảo nhưng
không bao giờ được ân xá) chứ chẳng sướng chi đâu mà cười.
Phan Châu Trinh thở phào nhẹ nhỏm, ứng khẩu:
Luy luy già tỏa xuất Đô môn,
Khẳng khái bi ca thiệt thượng tồn.
Quốc thổ trầm luân dân tộc tụy,
Nam nhi hà sự phạ Côn Lôn.
Cả ba người áp tải Phan Châu Trinh đều
ngơ ngác, không biết ông đang nói gì, nhưng nghe giọng ngâm của ông, họ
biết ông đang vui lắm.
Người lính đi bên ông hỏi nhỏ: