biết phải làm gì, không nên làm gì, con người mới khác con vật.
Phan Châu Trinh đem suy nghĩ của mình tâm sự với anh em. Ông thấy
không ít người gật gù cho rằng ông nói đúng, có người cười ha hả không
biết họ cười vì lý do gì. Một người tù có gương mặt rắn rỏi, nói:
- Ông mà đỗ đạt ra làm quan chắc dân nghèo được nhờ. Nhưng có học như
ông mà vào sống với bọn tôi thì ông cũng là người bất thông.
Thấy Phan Châu Trinh ngước mắt nhìn, người tù nói tiếp:
- Tôi mà có chữ nghĩa như ông, khi thấy mình không đỗ đạt thì đi làm thầy
tu hay hơn đi làm thằng tù. Có chữ nghĩ mà đi tu cũng mau thành chánh
quả hơn. Ở quê tôi có cha một chữ bẻ làm đôi không có nhưng lanh miệng,
nói bắt quờ lung tung cũng có người cúng lạy mệt nghỉ.
Nghe vậy, anh em hả họng cười khoái trá.
Phan Châu Trinh để mặc anh em cười cho sướng và lấy đó làm vui. Một nụ
cười bằng mười thang thuốc bổ. Nếu những tiếng cười ấy là những tiếng
cười nhạo cũng là vui. Họ cười nhạo ông cũng có cái lý của họ. Nhưng dù
đó là tiếng cười nhạo thì ông cũng đã làm theo lòng nhân, giúp họ phần nào
cải thiện được đời sống tinh thần.
Thật lòng, những gì ông trao đổi với anh em xuất phát từ sự chân thành.
Ông biết hầu hết tù nhân ở đây, từ thường phạm đến án nặng là người Nam
kỳ, Bắc kỳ, Cao Man, Lào, Khách trú từ các nhà lao Khám Lớn, Hỏa Lò,
Cao Man, Quảng Châu… đưa tới. Và dân Trung kỳ chắc mỗi mình ông, vì
Trung kỳ là xứ Bảo hộ không gửi tù ra đây. Họ đối xử với ông suốt bao
ngày qua như vậy là qúy lắm rồi. Nhiều người một chữ bẻ đôi cũng không
có, thì mong gì họ hiểu được ông. Tiếng cười của họ cũng hồn nhiên như
tấm chân tình của ông đối với họ thôi.
Cặp mắt của Phan Châu Trinh bắt đầu nằng nặng.
Chẳng bao lâu cả phòng dường như chìm vào màn đêm yên tĩnh, mặc cho
ngoài kia gió gào, sóng vỗ.
Chú thích:
(1) Huỳnh Thúc Kháng dịch:
Xiềng gông cà kệ biệt Đô môn,
Khẳng khái ngâm nga lưỡi vẫn còn.