tướng mạo cũng không xoàng. Nhưng đã vào hang hùm thì còn sợ gì hùm
ăn thịt, Phan Châu Trinh trả lời rõ ràng từng tiếng.
- Đúng, đi không đổi tên, ngồi không đổi họ, Tây Hồ là tôi, Phan Châu
Trinh cũng là tôi. Anh tìm tôi có việc gì ?
Nét mừng rỡ hiện lên gương mặt người trẻ tuổi, Phan Châu Trinh cũng thấy
yên tâm. Người thanh niên lễ phép thưa:
- Thưa bác, cháu là Nguyễn Tất Thành, con trai cụ phó bảng Nguyễn Sinh
Huy, từ quê nhà mới sang.
Phan Châu Trinh quay lại giới thiệu con trai mình với khách:
- Đây là con trai lớn của tôi, Phan Châu Dật. Em nó đang học tại trường
Mondparuasse, hôm nay được phép về chơi. Sáng mai, em nó trở lại
trường.
Nguyễn Tất Thành bước tới bắt tay Phan Châu Dật với lời lẽ chân tình.
- Xin chào. Luận về tuổi tác, tôi có thể xưng hô anh em được chứ ?
Phan Châu Dật vui vẻ, nắm chặt tay Nguyễn Tất Thành, nói:
- Tất nhiên, em mới vào tuổi mười lăm.
- Anh thì đã vào tuổi hai mươi mốt.
Phan Châu Trinh mời khách vào nhà, dặn con lo cơm nước.
- Cụ phó bảng với tôi là bạn đồng khoa, song lớn hơn tôi mười tuổi.
Nguyễn Tất Thành vui vẻ nói:
- Vâng, thưa bác, thân phụ cháu sinh năm Nhâm Tuất ạ.
- Nhưng anh là con thứ mấy trong nhà ?
- Thưa bác, trên cháu còn có người chị và người anh nữa ạ.
Sau vài lời dọ hỏi, Phan Châu Trinh biết chắc người thanh niên này là con
trai của bạn, chẳng có chi phải nghi kỵ. Nhưng nghĩ cho cùng, cha con ông
ở đây chẳng có chi phải sợ ! Mọi việc, ông đã trình bày bằng giấy trắng
mực đen chẳng giấu giếm điều gì. Hồi ở trong nước, bọn sâu mọt đã không
làm được gì thì bây giờ có gì phải đáng lo ? Nguyễn Sinh Huy dưới mắt
ông cũng là người khí khái. Anh ta đỗ cử nhân khoa Giáp Ngọ (1894) trước
ông sáu năm, nhưng đỗ phó bảng một lần và nghe đâu được bổ chân tri
huyện Bình Khê. Nợ áo cơm, nợ hình hài trả rứa cũng đã được. Con cái có
phần con cái và cái chí của chàng trai trẻ này không thể xem thường. Ông