mặt trái của nó. Cháu nghĩ, con đường cứu nước không phải không có,
nhưng chúng ta biết chọn con đường nào đúng nhất, hiệu quả nhất mới khó.
Cháu muốn đi đây đi đó thật nhiều, đọc thật nhiều mới dám trình bày cụ thể
với bác để bác chỉ dạy thêm.
- Tôi rất mừng đất nước có một người trẻ tuổi như anh và cũng rất mừng cụ
phó bảng nhà ta có được người con như anh. Anh còn trẻ nghĩ được như
vậy là hay. Nếu anh tin tôi, thì trên đường đời có gì cần đến tôi, anh cứ hỏi,
cứ trao đổi thẳng thắn trên tinh thần khoa học. Tôi là vai cha mẹ của anh
thật và cũng là bậc đại khoa của nước nhà Annam chuyên chế thật, nhưng
có đi ra mới biết mình chẳng là cái gì so với thiên hạ. Do vậy, ý kiến của tôi
cũng là ý kiến để anh tham khảo.
Càng nói chuyện, Phan Châu Trinh càng thích chàng trai trẻ này.
Những ngày sau đó, ngoài công việc kiếm cơm, Phan Châu Trinh tiếp tục
cùng Nguyễn Tất Thành đàm đạo chuyện nước nhà. Ông chống cái học cũ
là vì nó quá lỗi thời trước đà tiến hóa của nhân loại, chứ không xổ toẹt
những tinh hoa của nó. Phan Châu Trinh nói:
- Đối với Nho giáo, muốn trị quốc thì trước hết phải tề gia, muốn tề gia thì
phải tu thân, muốn tu thân thì phải chính tâm, muốn chính tâm thì phải
thành ý, muốn thành ý thì phải cách vật trí tri. Đó là cả một quá trình gian
nan, khổ công tu học cả đời, anh nó ạ. Điểm này ta phải học. Phép trị nước
của phương Tây lẫn phương Đông đều có cái hay cái dở riêng. Nếu chúng
ta biết dụng cái hay, loại cái dở thì quốc dân được nhờ. Do vậy, tôi đồng
thuận với ý tưởng đi nhiều, đọc nhiều của anh. Ở quê nhà của ta, ai ai cũng
thuộc lòng câu răn dạy của ông cha: Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ
biết ngày nào khôn, ấy mà chẳng thấy ai dụng.
Cả hai đàm luận rất tâm đắc. Rảnh rỗi, Phan Châu Trinh đưa Nguyễn Tất
Thành đi giới thiệu với bạn bè người Pháp, người Việt mà ông đã quen và
tin tưởng.
Những ngày bên Phan Châu Trinh, Nguyễn Tất Thành học được rất nhiều
điều và càng thêm tin tưởng cho sự ra đi của mình.