nhiệm vụ chính của mình. Ông tập hợp những người Việt Nam cùng chí
hướng và cùng một số người Pháp tiến bộ có chân trong hội nhân quyền
đấu tranh đòi ân xá toàn thể tù chính trị Việt Nam ở bên nhà cũng như đang
bị giam tại Pháp qua cuộc Âu chiến; đấu tranh tự do lập hội, lập trường kể
cả các trường kỹ thuật cho dân bản xứ; đòi tự do báo chí, cải cách nền pháp
lý hiện nay ở Annam, v.v… Và bước chân của ông hầu như trải khắp Paris,
Marseille, Bordeaux…
Những tháng ngày này, chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành từ nước Anh xa
xôi cũng thường xuyên thư từ qua lại với ông. Phan Châu Trinh rất thương
và qúi mến chàng trai này. Qua thư từ, ông thấy loáng thoáng Nguyễn Tất
Thành đang nghiên cứu và có thích thú với cái chủ nghĩa của ông Mã Khắc
Tư (Karl Marx), ông Lý Ninh (Lénine).
Hai vị này ông cũng đã nghe anh em nói, nhưng nay vì đứa con của người
bạn nên ông cần phải tìm hiểu kỹ hơn. Ông nhờ anh em tìm tài liệu đọc và
giảng lại cho ông nghe. Chỗ nào chưa thấu đáo thì ông mượn về nhờ thằng
con ông đọc giúp rồi ông tự tìm hiểu.
Cách mạng tháng Mười Nga làm chấn động thế giới. Phan Châu Trinh cũng
đã nhìn ra cuộc cách mạng này đã thức tỉnh giai cấp công nhân, nhân dân
lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vùng dậy đấu tranh.
Nhưng với dân tộc Annam của ông không dễ, bởi giai cấp công nhân chưa
có gì đáng kể, còn giai cấp nông dân thì còn tăm tối quá. Do đó trước mắt,
công việc nâng cao dân trí, đề xướng dân quyền vẫn là công việc trọng yếu.
Cuối năm đó, Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp có đến chào ông. Hai bác
cháu trao đổi rất nhiều về con đường cứu dân cứu nước. Nguyễn Tất Thành
nói:
- Đi mòn không biết bao nhiêu đôi giày, cháu có nhận xét chung là dù màu
da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột
và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà
thôi: tình hữu ái vô sản.
Phan Châu Trinh đồng tình, nói:
- Tôi cũng thấy như vậy và cuộc Cách mạng tháng Mười Nga là minh
chứng hùng hồn nhất. Song đối với dân tộc Annam của chúng ta thì chưa