Anh vô trách nhiệm với nhân dân, nhân dân sẽ vô trách nhiệm với anh.
Anh bỏ rơi nhân dân, nhân dân sẽ bỏ rơi anh! Nước có thể đưa thuyền đi
nhưng cũng có thể lật úp thuyền, đây là lời giáo huấn từ ngàn năm nay, lẽ
nào chúng ta lại không bằng được cổ nhân!
Sạp hàng mất đi có thể dựng lại; mất đi lòng dân muốn gây dựng lại e
đâu được dễ dàng!
...
Một loạt bước chân hỗn loạn dồn dập kéo tới cắt ngang mạch suy nghĩ
trầm tư của Lý Cao Thành. Một đoàn người nam có nữ có, phải đến mười
mấy người đang theo sau thư ký Ngô Tân Cương để tới mở cổng xưởng.
Bảo vệ có, quản lý có, tổ trưởng tổ ca kíp có, chủ nhiệm xưởng có, có cả
công nhân xe, công nhân điện, công nhân dệt... ít cũng phải hơn chục
người.
Nó dường như đã trở thành quy định, sau khi đình công ngừng sản
xuất, nếu có người muốn mở cổng, bắt buộc phải huy động bằng nấy người
đến mở, nếu không sẽ không được phép. Và cánh cổng cũng quả thật khó
mở, có lẽ do rất lâu rồi nó chưa được động đến, chỉ riêng hai chiếc khóa to
ở phía trên thôi cũng phải mở đến nửa ngày trời. Ba phích cắm ở trên cổng
bị hoen gỉ mãi không kéo ra được.
Sau khi cánh cổng kêu ầm ầm như tiếng núi vang lên báo hiệu cửa đã
được mở, lập tức sộc lên một luồng khí lạnh lẽo và mùi ẩm mốc khiến
người ta ngạt thở.
Không có điện, người công nhân điện hí hoáy một hồi cũng không thể
buộc những ngọn đèn trong xưởng phát sáng. Không gian tối đen như hũ
nút, phải đứng rất lâu mới dần dần nhìn ra một đống máy dệt và máy tiện
phủ kín bụi. Nền nhà in hằn vết chân sâu nửa thước trên lớp bụi, những xấp
bông vụn xám đen rơi đầy trên sàn.