Đại Thừa Tự thì dựa vào bản Tồn Trung, còn bản Hưng Thánh Tự thì dựa
vào bản Bắc Tống và bản Thiều Hồi. Tất cả những bản Pháp Bảo Đàn
kinh khác nhau vừa kể trên đều xuất phát từ bản duy nhất còn tìm lại được:
chính là bản Đôn Hoàng (830-860) mà tôi dịch ở đây. Bản Đôn Hoàng là
bản ngắn gọn nhất và chỉ gồm có mười hai ngàn chữ, còn những bản khác
(bản đời Nguyên và Minh) gồm khoảng hai mươi mốt ngàn chữ. Bản chữ
Hán tôi dịch ở đây được dựa theo bản chữ Hán đã được san định kỹ lưỡng
do công phu uyên bác của giáo sư Philip B.Yampolsky của Đại học
Columbia (The Platform Sutra of the Six Patriarch, the Text of the Tun-
Huang Manuscript with Translation, Introduction, and Notes by Philip
B.Yampolsky, Columbia University Press, New York, 1967). Trong phần mở
đầu của quyển sách, giáo sư uyên bác Yampolsky đã cống hiến cho độc giả
những dữ kiện lịch sử rõ rệt về sự thành hình của Thiền tông, căn cứ theo
những tài liệu được khai quật từ động Đôn Hoàng; giáo sư đã chịu khó tham
khảo hàng ngàn thiên khảo cứu Trung Hoa và Nhật Bản, cho độc giả nhìn
thấy lại sự diễn biến của Thiền tông tại Trung Hoa từ những thế kỷ thứ VI,
VII, VIII và IX, giáo sư đã tham khảo tất cả những tài liệu dữ kiện liên hệ
đến Thiền tông ở những thế kỷ ấy, mà ngay rất nhiều học giả Trung Hoa và
Nhật Bản cũng ít biết đến. Bản dịch này được dựa theo bản chữ Hán do giáo
sư Yampolsky san nhuận thấu đáo, nhưng tôi không hẳn hoàn toàn đồng ý
với giáo sư ở nhiều điểm quan trọng, và khi dịch thì tôi dựa hẳn theo nguyên
tắc chữ Hán và không đồng ý với giáo sư trong vài ba chi tiết ở nguyên bản.
Giáo sư đã tự ý sửa đổi nhiều và thường lấy tiêu chuẩn nơi bản Hưng Thánh
Tự. Tôi thì chỉ chú trọng giữ lại sắc thái độc đáo của nguyên bản động Đôn
Hoàng, chỉ trừi ra có những điểm chép sai quá lộ liễu thì tự ý sửa lại cho
đúng văn pháp. Khi dịch, tôi cũng dịch trung thành theo những thành ngữ
thông tục ở đời Đường, chẳng hạn thành ngữ “đệ nhất vật” (phân đoạn 13