của bản kinh) là một thành ngữ thông tục ở đời Đường có nghĩa là “không
bao giờ trông bất cứ trường hợp nào” chứ không có nghĩa ngày nay là “vật
thứ nhất”, chẳng hạn thành ngữ “ưng thị” (phân đoạn 35 bản kinh) cũng là
chữ thông tục đời Đường có nghĩa là “tất cả”. Còn chữ “đường” (phân
đoạn 35), tôi không đồng ý với Yampolsky mà dịch là “Trung Quốc” (hiểu
theo nghĩa đời Đường). Tôi hiểu “đường” ở đây có nghĩa là “hành lang”,
“con đường đi từ thềm ra cửa”; ý kiến này cũng đồng ý với giáo sư Nhật nổi
tiếng về Thiền học Ui Hakuju, tác giả bộ Zenshu shi kenkyu, cuốn II, trang
148 (Tokyo, 1939-43). Tôi tạm đưa ra vài thí dụ vừa rồi có tính cách kỹ
thuật về phương diện khảo cứu ngôn ngữ học, nhưng có một điểm cần phải
nhấn mạnh nơi đây, trong mọi trường hợp thảo luận và quyết định về những
điểm dị đồng trong những bản khác nhau trong kinh điển Phật giáo, tiêu
chuẩn quyết định vẫn là nội dung giáo lý căn bản; nói một cách khác, không
thể chỉ thuần túy đứng về mặt khảo sát ngôn ngữ học mà có thể quyết định
việc san nhuận kinh điển mà đồng thời phải lấy ánh sáng căn bản của giáo
lý được thuyết minh trong chính kinh điển ấy để soi chiếu và giải minh
những vấn đề dị biệt ở bình diện hình thức văn từ có tính cách lịch sử cục bộ
giới hạn. Có nắm được giáo lý căn bản của ngài Huệ Năng thì tất cả những
vấn đề nan giải về sử học và ngôn ngữ học sẽ được giải quyết một cách
nghiêm chỉnh. Nói một cách khác hơn nữa, phải nhìn con người và hành
trạng của ngài Huệ Năng, phải nhìn bản Pháp Bảo Đàn kinhvới cái nhìn của
một thiền sư, một người đã được nuôi dưỡng trong truyền thống của Thiền
tông, thì mới thấy được những gì mà những người khác, dù là học giả uyên
bác nhất, cũng không có đủ điều kiện tâm linh để nhìn thấy được. Đó là lý
do tại sao tôi cảm thấy cần thiết phải dịch lại nguyên bản xưa nhất của Pháp
Bảo Đàn kinh và nhất là giới thiệu cho dân tộc Việt Nam một nền đạo lý
chính thống đã nuôi dưỡng dân tộc ta suốt từ mười mấy thế kỷ nay. Không