“Tôi cảm thấy tình huống có khả năng lớn nhất là sau khi thằng bé rơi
xuống nước, có vật cứng đè xuống vai nó, không cho nó nổi lên.” Bác sĩ Lý
nghiến răng nói.
Tôi quay đầu nhìn hai vợ chồng Ngô Kính Phong. Phó Ngọc vẫn kiệt sức
ngồi tựa vào chồng, mông lung nhìn lên bầu trời. Mà Ngô Kính Phong lại
ngừng khóc, dường như đã nhận ra điều gì, nhìn vào phía bên trong dải
cách ly. Bất chợt anh ta bắt gặp ánh mắt của tôi, vội nhìn tránh ra chỗ khác.
Cảm giác khó hiểu trong lòng tôi lại dâng lên.
Tôi lấy găng tay từ hộp dụng cụ khám nghiệm ra, bắt đầu giúp bác sĩ Lý
kiểm tra hai tay của bé Thanh Hoa. Chúng tôi đểu biết rằng trong các vụ án
mạng, hai tay của nạn nhân thường có lưu lại thông tin hoặc chứng cứ.
Thậm chí đôi khi còn có thể trở thành chứng cứ quan trọng.
Lúc này thi thể của bé Thanh Hoa đã cứng lại, tôi tốn nhiều sức lực mới mở
được hai bàn tay ra. Bỗng nhiên tôi phát hiện ra một vài hiện tượng không
bình thường.
Tôi phát hiện trong lòng bàn tay phải của bé Thanh Hoa có một cái dằm.
Mảnh dằm nhỏ cứng đâm sâu vào da thằng bé.
Chúng tôi dùng kẹp rút mảnh dằm ra, sau khi quan sát kỹ, chúng tôi đồng
thanh: “Là dằm trúc!”
Nhưng ở hiện trường không thấy một bóng trúc, trong hồ lại càng chẳng có.
Quan trọng hơn là nhìn vết thương trên bàn tay bé Thanh Hoa có thể thấy
phản ứng sinh hoạt[1] không quá rõ ràng. Nói cách khác, khi dằm trúc đâm
vào tay thì bé Thanh Hoa đã rơi vào tình trạng hấp hối.
“Việc này tương đối khả nghi.” Lý Hoa vừa nói vừa gọi một người cảnh sát
tới, “Mang thi thể về giải phẫu, có thể là án mạng.”