cướp gây án thì phiền lắm, có lẽ sẽ khó khăn.”
“Mau đến hiện trường đi.” Tôi trấn an nói, “ Nghĩ nhiều cũng vô dụng
thôi.”
Dưới sự chỉ dẫn của Đại Bảo, chúng tôi vòng qua nội thành tắc nghẽn giao
thông, theo đường vành đai thành phố, đến thẳng thôn Giáp Thanh nằm ở
ngoài rìa thành phố Thanh Hương.
Đây là một vùng đất bằng phẳng, nhìn ra xa không thấy đâu là giới hạn,
trong ánh mặt trời vàng ruộm buổi đầu thu và những hàng hoa màu xanh
mượt thẳng tăm tắp, giữa những mảnh ruộng có thể thấy loáng thoáng mấy
nhà dân gạch đỏ ngói đen. Đi thêm vài ki lô mét liền thấy trên cửa sổ những
căn nhà ấy phản chiếu ánh đèn xe cảnh sát loang loáng.
Chẳng mấy chốc mà chúng tôi đã tới hiện trường. Đây là một tòa nhà rộng
rãi nhưng phòng ở lại có vẻ cũ nát. Phía trong dải phân cách có mấy cảnh
sát mặc trang phục khám tra đang bận rộn đi ra đi vào. Chi đội phó chi đội
hình sự phụ trách quản lý kỹ thuật hình sự thuộc Cục công an Thanh Hương
– Lưu Tam Hạ liếc mắt thấy chúng tôi có mang theo hòm dụng cụ, bèn nói:
“Các đồng chí trên tỉnh đã đến rồi.” Anh ấy vừa bước nhanh đến chỗ chúng
tôi, vừa vươn ra bàn tay dày rộng.
“Hai người đã chết là một đôi vợ chồng già khoảng 70 tuổi sống tại tòa nhà
này.” Sau khi trò chuyện đôi câu, anh Lưu giới thiệu tình hình, “Con cái có
một trai một gái. Con trai 50 tuổi, không kết hôn, đến vùng ven biển Phúc
Kiến làm buôn bán nhỏ, nghe nói làm không đủ tiêu, rất ít khi về nhà,
thường cứ hai năm mới về một lần. Con gái 44 tuổi, cùng con rể làm thuê ở
Giang Tô. Cháu ngoại của người chết năm nay 20 tuổi, đang học Đại học
trên tỉnh.”
Tôi nhìn quanh tòa nhà một vòng: “Nhà hai tầng đấy chứ, nhìn vào thấy có
vẻ là giàu có, nhà cửa cũng không nhỏ.”