PHẬT GIÁO NAM TÔNG TẠI VÙNG NAM BỘ
14
Phật giáo Nam tông Kinh quan hệ mật thiết với Phật giáo các nước
trên như tình đồng đạo. Về hình thức sinh hoạt cũng như nội dung
giáo lý và tu hành giữa các nước Phật giáo Nguyên thủy – Theravāda
đều đồng nhất nên rất dễ dàng hòa nhập với nhau. Các vị danh tăng
ở các nước Phật giáo Đông Nam Á như ngài Chunnat, ngài Narada,
Soratha, Piyadassi, Ānanda, Mangala, Shantibhadra v.v... đều đã
từng đến Việt Nam thuyết giảng và dạy đạo. Ngược lại các vị danh
tăng Việt Nam như Ngài Hộ Tông, Ngài Bửu Chơn cũng thường đi
tham dự các đại hội tăng già quốc tế, đặc biệt là hội nghị kết tập Tam
Tạng Pāli tại Yangon, Myanmar năm 1956.
Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam trước đây là thành
viên của hội Liên hữu Phật giáo Thế giới đặt trụ sở tại Bangkok,
Thái Lan.
3. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT
Để hoạt động của Phật giáo Nam tông Kinh tiếp tục phát triển
ổn định, đóng góp vào việc xây dựng, củng cố Giáo hội Phật giáo
Việt Nam, giữ gìn và phát huy bản sắc, dấu ấn Phật giáo Nam tông
Kinh, nét đặc biệt của Phật giáo Việt Nam, đồng thời trợ giúp Phật
giáo Nam tông Kinh trong các hoạt động, cần tập trung quan tâm
một số giải pháp sau:
Tăng cường việc hỗ trợ các hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt
Nam, trong đó có hoạt động của Phật giáo Nam tông Kinh. Cấp ủy và
chính quyền các địa phương có sinh hoạt của Phật giáo Nam tông Kinh
quan tâm chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, tăng cường
hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.
Về kiện toàn nhân sự: Từng bước đưa sư tăng Phật giáo Nam
tông Kinh vào các vị trí trong Hội đồng Trị sự, các ban, ngành lĩnh
vực hoạt động của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và
Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp.
Về tạo dựng cơ sở thờ tự: Tiếp tục trùng tu, tôn tạo các chùa
Phật giáo Nam tông Kinh nhằm tạo điều kiện cho tín đồ có nơi sinh
hoạt, đáp ứng kịp thời nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh cho nhân dân.