Nên giải quyết vấn đề ở cấp độ thấp nhất có thể. Trước ngày Tổng thống
John F. Kennedy nhậm chức, Tổng thống Eisenhower đã khuyên ông: “Mãi
mãi ngài sẽ thấy không có vấn đề nào dễ dàng dành cho Tổng thống của
nước Mỹ. Nếu chúng dễ dàng được giải quyết, thì những người khác đã
tháo gỡ chúng rồi”. Lời khuyên đó cũng đúng với mọi nhà lãnh đạo. Càng
tiến lên những nấc thang cao hơn, nhà lãnh đạo càng ít phải ra quyết định
hơn, nhưng mức độ quan trọng của quyết định lại lớn hơn. Những kỹ năng
giải quyết vấn đề của một nhà lãnh đạo phải được gọt giũa, vì mọi quyết
định anh ta đưa ra đều quan trọng. Phần còn lại của chương này sẽ đề cập
đến những gì cần phải có để giải quyết vấn đề hiệu quả.
THÁI ĐỘ ĐÚNG ĐẮN
Tiến sĩ Norman Vincent Peale đã đúng khi nói rằng, suy nghĩ tích cực là
cách bạn nghĩ về một vấn đề; niềm say mê là cách bạn cảm nhận về một
vấn đề. Hai điều này quyết định những gì bạn làm đối với một vấn đề. Nếu
tôi có thể làm bất kỳ điều gì cho mọi người, thì tôi sẽ giúp họ thay đổi quan
điểm chứ không phải vấn đề của họ. Suy nghĩ tích cực không phải lúc nào
cũng thay đổi được hoàn cảnh của chúng ta, nhưng nó sẽ làm chúng ta thay
đổi. Suy nghĩ đúng đắn về những tình huống khó khăn cũng giúp cho cuộc
sống của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn.
Câu chuyện The window (Cái cửa sổ) của G.W.Target kể về hai người đàn
ông nằm chung phòng bệnh giãi bày tâm sự với nhau. Cả hai đều ốm rất
nặng và họ không được phép tiếp xúc với các phương tiện giải trí − không ti
vi, không đài, không sách. Tình bạn của họ phát triển dần qua những tháng
ngày trò chuyện bên nhau. Họ thảo luận mọi chủ đề có thể từ sở thích, kinh
nghiệm, gia đình, công việc, các kỳ nghỉ đến tiểu sử bản thân.
Cả hai người đều không thể rời giường bệnh, nhưng một người may mắn
được nằm cạnh cửa sổ. Theo chế độ điều trị, anh ta có thể ngồi dậy trên
giường một giờ mỗi ngày khi điều trị. Những lúc đó, anh miêu tả thế giới