và Phó tổng biên tập. Chủ nhiệm hễ có chất cay vào bụng là lắm lời, cứ rối
rít khen Hoàng Đức Phúc có thái độ công tác cẩn thận, chịu trách nhiệm
đến thế, thanh niên như vậy quả thật hiếm thấy, xúc động lên, liền nêu ý
kiến ông cần phải viết lời toà soạn, nói viết là viết, nhân lúc say viết rất trôi
chảy, quan điểm rõ ràng, lại rút đi một tin ngắn đưa lời toà soạn vào. Hoàng
Đức Phúc sung sướng đến mức, vừa tặng danh thiếp của mình, vừa ghi số
điện thoại của chủ nhiệm và cứ nói đi nói lại, có việc gì cứ đến tìm anh. Vật
lộn như thế đến nửa đêm, khi cầm được một xấp báo mới, Trang Chi Điệp
đã mệt lử không nhấc được đầu lên, mơ mơ màng màng, bị Hoàng Đức
Phúc kéo lên xe định về khách sạn, thì dường như trời đã sáng bảnh mắt.
Xe phóng qua đầu đường trước am ni cô, Trang Chi Điệp tự dưng tỉnh ngủ,
nói đã đến đây, sao không để xem căn hộ kia một chút, Hoàng Đức Phúc
liền dẫn anh lên tầng năm của ngôi nhà, mở của phòng ra, ba phòng một
sảnh, bởi ở gác trên cùng, nên yên tĩnh vô cùng. Hoàng Đức Phúc hứa hẹn
trưa nay anh sẽ đứng ra bảo khách sạn Cố Đô chở đến mấy cái xa lông cũ,
một cái bàn, một cái ghế và một cái giường, thậm chí còn bảo chở thêm
một bộ chăn nệm. Các nhà văn nghệ sĩ ai cũng nghèo, có lẽ chẳng có ai tự
bỏ tiền túi, mua đồ dùng cho mọi người sử dụng. Trang Chi Điệp lại xúc
động tỏ lời cám ơn. Chợt nghe dưới gác có người nói to:
- Một đoạn nữa đi! Một đoạn nữa đi!
Không biết nghệ nhân nào bày bán món gì ở đây. Hai người đi xuống gác
thì nhìn thấy ông già thu mua đồ đồng nát bị một tốp thanh niên vây chung
quanh, đang đọc một đoạn ca dao:
Mười bảy mười tám tóc rối đầu bù
Hai bảy hai tám bồng bế con thơ
Ba bảy ba tám ngóng chờ cất nhắc
Bốn bảy bốn tám qua loa tắc trách
Năm bảy năm tám hết sách về nhà
Sáu bảy sáu tám nuôi cá trồng hoa
Bảy bảy bảy tám chấn hưng Hoa hạ
Hoàng Đức Phúc chau mày, gọi:
- Này, lão kia, nói bậy nói bạ cái gì ở đây thế?