bè thân thích nào, chiêu đãi ở đâu, mỗi mâm giá bao nhiêu, ai làm phù dâu,
ai đứng ra điều khiển lễ cưới, ai làm chủ đám cưới…Cứ thế kể lể ra, bàn
hết một buổi chiều. Cuối cùng Ngưu Nguyệt Thanh mới vô tình nói ra mục
đích chủ yếu nhất của buổi gặp gỡ hôm nay. Chị kể lại tường tận nguyên
nhân của vụ kiện, nét mặt nhăn nhó ca thán những nỗi khổ đã phải chịu
đựng từ khi có vụ kiện đến giờ, liền nhấn đi nhấn lại quả thật bế tắc không
có lối ra mới tìm đến cầu xin chủ tịch cứu giúp. Khi nói những lời này,
Ngưu Nguyệt Thanh không nhìn vào mặt phu nhân chủ tịch, nhịp độ rất
nhanh, nói qua rồi lại cảm thấy lộn xộn, liền nhắc lại. Trong bụng thầm
nghĩ, mình đã muối mặt, không dám nhìn vào nét mặt bà ấy, nếu nhìn thấy
bà ấy tỏ ra khó xử trên nét mặt, mình sẽ không nói tiếp được, chờ khi mình
nói một mạch cho hết sự việc, nếu bà ấy trả lời nước đôi, thì mình sẽ lập
tức đứng dậy ra về.
Cuối cùng chị đã nói xong, mặt đỏ bừng bừng, lại cất tiếng:
- Chà chà, tôi đã nói với bà những gì nhỉ, anh Điệp dặn tôi, chớ có nói
việc này trước mặt bà, không hiểu sao tôi lại nói ra? Chuyện này xấu mặt
lắm, bên ngoài họ xôn xao bàn tán về anh Điệp, anh ấy suốt ngày buồn bực
đứng ngồi không yên. Tôi nói điều này ra với bà, có lẽ ông bà cũng sẽ chê
cười anh ấy!
Nhưng phu nhân chủ tịch lại cười bảo:
- chuyện ấy có gì đâu phải xấu hổ, kiện cáo là việc bình thường.
Những văn nhân như anh Điệp hay sĩ diện, có vụ việc này cũng không thấy
anh ấy gặp bố của Đại Chính nói ra?
Ngưu Nguyệt Thanh đáp:
- Anh ấy ư, chỉ biết viết văn thôi, ra khỏi cửa cứ như gỗ như đá!
- Mấy hôm trước có vài người còn nói với tôi nhà văn thì trên trời
dưới đất chả có chỗ nào không biết, chị sống với Trang Chi Điệp cuộc sống
chắc là phong phú lắm.
- Trời, anh ấy viết sách toàn là bịa, thật ra trong cuộc sống chẳng hiểu
cái gì, cuộc sống trong gia đình khô khan lắm. Bà cứ hỏi anh mà xem,
ngoài viết văn ra anh ấy còn biết cái gì? Đừng nói so với chủ tịch thành
phố, so với một trưởng phòng cũng không bằng, một cái hay che lấp trăm