Đặng Phùng Quân
Phê phán hệ tư tưởng Mác-xít
Chương 2
Đọc Lênin
Chủ nghĩa cộng sản trong mấy thập niên trở lại đây không những suy sụp
về mặt thực tiễn, còn chứng thực khủng hoảng về mặt lý luận.
Tuy phong trào nghiên cứu chủ nghĩa Mác phát triển, song chủ nghĩa Mác
"chính thống" - với những danh xưng khác nhau như chủ nghĩa Mác-Lênin,
chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa xã hội khoa học (từ ngữ này nguyên ủy
đề xuất từ Proudhon) đã trên đà suy thoái, thông qua những hiện tượng:
- Tính "khoa học" trong chủ nghĩa Mác xây dựng trên một số tiền đề: nhìn
nhận lịch sử xã hội là một lịch sử những đấu tranh giai cấp, nhìn nhận tri
thức và thực tiễn con người là một thể thống nhất, ngõ hầu những phương
tiện lý luận và thực tiễn nhằm đạt tới cứu cánh đồng nhất với chính cứu
cánh (cho nên sự thành công của một phong trào xã hội đặc thù chứng thực
"chân lý" một cách khoa học), nhìn nhận cơ sở của một khoa học lịch sử đã
thành tựu, nhìn nhận lịch sử xã hội diễn ra theo quá trình "hình thành xã
hội" như Marx dự kiến. Thực ra, tính "khoa học" chỉ phản ánh xu hướng
chung "tôn thờ khoa học" của thời đại Marx và Engels.
- Mối quan hệ khăng khít và duy nhất của chủ nghĩa Mác với sự thể hiện
qua lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Lênin và Stalin. Điều đó chỉ ra chủ
nghĩa cộng sản trong giai đoạn nắm quyền bính đã thể hiện chủ nghĩa Mác
như một hệ tư tưởng độc đoán.
- Trong thực tiễn xã hội cộng sản, chủ nghĩa Mác thông qua Đảng và Nhà
nước cộng sản không còn là một lý luận nhằm giải thích hay biến đổi thế
giới - chủ nghĩa Mác không chỉ biến dạng thành một khoa kinh điển giáo
điều, còn là một khoa diễn tập những khẩu hiệu, chiêu bài trong mục tiêu
chính trị.
Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ngày nay chỉ ra về mặt thực tế những
biến chuyển phức tạp của phong trào công nhân thế giới. Sự tan rã của hầu
hết các nước trong khối "xã hội chủ nghĩa" đã dẫn đến "một khúc quanh