Sự phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác trong giai đoạn này biểu hiện
những mặt khác biệt:
a. Lý luận gắn liền với thực tiễn chỉ đạo phong trào công nhân nhằm đạt tới
mục tiêu thực hiện Cách mạng, giành quyền lực đã gây phân hóa giữa
những người Mácxít. Những tranh luận phê phán, chỉ trích giữa những
người Mácxít với nhau còn dữ dội hơn đối lập với kẻ thù.
b. Sự tiến triển của xu hướng dân chủ, sự phát triển những đảng và công
đoàn đã làm tinh thần cách mạng suy thoái và chủ nghĩa Mác đã xoay chiều
hướng từ những xã hội công nghiệp phương tây xâm nhập những xứ nông
nghiệp phương đông.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga đã đưa đảng CS bônsêvích lên
nắm chính quyền và lý luận của Lênin trở thành chủ đạo của phong trào
cộng sản thế giới.
Vấn đề đặt ra là đọc Lênin như thế nào? Có phải chủ nghĩa Lênin là sự phát
triển duy nhất của chủ nghĩa Mác hiện đại? Hay chủ nghĩa Lênin là hiện
thân của một chủ nghĩa Mác đặc thù (như H. Marcuse gọi là chủ nghĩa Mác
Xô viết)?
Những biến đổi giá trị tư tưởng trong thời đại quá độ từ thế kỷ 19 sang thế
kỷ 20 đánh dấu một hiện tượng đặc sắc của thời đại: mối quan hệ giữa triết
học và phi triết học. Bản chất của mối quan hệ này chi phối toàn diện tư
tưởng của con người hiện đại.
Vấn đề của chủ nghĩa Mác là: Nhà triết học từ trước đến nay chỉ đi giải
thích thế giới trong khi thực sự phải biến đổi nó. Có phải Marx đã đoạn
tuyệt với con người triết học thời trẻ để trở thành một nhà lý luận hành
động cách mạng?
Có phải Lênin cũng đứng trên vị thế phi triết học - hay là một nhà tư tưởng
đưa ra một thực tiễn mới về triết học (như Louis Althusser quan niệm)?
Cũng như Marx, những di cảo của Lênin để lại nhiều tranh luận. Tập Bút
ký triết học của Lênin trong những năm 1914 - 15 (in trong Leninski
Sbornik, 1929) đã đặt lại quan hệ giữa chủ nghĩa Mác và Hegel, giữa chủ
nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật - những ý tưởng khác biệt với những
luận điểm trong Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán