người Việt nam?
Đã có người thử đặt vấn đề nhìn Marx từ quan điểm của nước Mỹ, như
Clinton Rossiter với Marxism: The View from America (1960). Khi đối
chiếu chủ nghĩa Mác với truyền thống nước Mỹ, Rossiter đã muốn chỉ ra
rằng chủ nghĩa Mác không bao giờ có cơ hội thắng lợi ở Mỹ, vì từ cơ bản,
chủ nghĩa Mác có tính nhất nguyên, trong khi truyền thống Mỹ với lý tưởng
của chủ nghĩa tự do có tính đa nguyên. Tại sao ở một nước công nghiệp tân
tiến nhất như nước Mỹ, môi trường thuận lợi cho quá độ từ chủ nghĩa tư
bản lên chủ nghĩa xã hội và sau đó tiến lên chủ nghĩa Cộng sản như Marx
tiên đoán, lại có rất ít người theo chủ nghĩa Mác? Rossiter đã kể ra, ít nhất
bảy nguyên do về sự thất bại của chính Marx: như Marx đã không có khiếu
trình bày các luận diểm cơ bản trong lý thuyết của ông, mặc dầu ông được
nhiều người đọc, những định nghĩa về “ý thức,” “vật chất,” những khái
niệm như “quan hệ sản xuất” trong học thuyết Mác không rõ ràng, những
sự kiện ông dẫn ra đã không cập nhật, khi phá đổ trật tự xã hội cũ, ông đã
không có một đề cương xây dựng xã hội mới cũng như quan điểm của ông
rất cực đoan một chiều về con người, xã hội cũng như lịch sử.
Vấn đề đặt ra là “chủ nghĩa Mác có thích hợp với các xã hội phương
Đông?” Chính Marx đã phân chia những giai đoạn lịch sử nhân loại trên cơ
sở chế độ kinh tế, theo như ông nói là những phương thức sản xuất châu Á,
cổ đại, phong kiến và tư bản. Ba phương thức sau áp dụng vào xã hội Tây
phương, tạo thành một nhóm. Như vậy phương thức sản xuất châu Á ở một
phạm trù khác. Tuy nhiên Marx và Engels không có cơ hội để đi sâu vào
việc tìm hiểu phương thức sản xuất này. Trong quá trình vận động lịch sử đi
từ chủ nghĩa tư bản qua chủ nghĩa xã hội tiến lên chủ nghĩa cộng sản, có
một khoảng cách - đề ra vấn nạn về sự thống nhất của quá trình lịch sử.
Nếu phương thức sản xuất châu Á mang tính đặc thù khác hẳn với phương
Tây, có một khả năng về tiến trình lịch sử theo một con đường khác, như
vậy chiều hướng lịch sử có tính đa nguyên; hơn nữa, nếu bản chất của
phương thức sản xuất châu Á không diễn ra trong vận động biện chứng của
lịch sử từ cổ đại qua phong kiến, tư bản, hiểu theo nghĩa lịch sử của xã hội
hiện hữu là lịch sử đấu tranh giai cấp, có phải những xã hội theo phương