Chương 4 : Cái giá của các quy chuẩn xã hội
Tại sao chúng ta vui mừng khi làm một việc nào đó, nhưng lại không
vui khi được trả tiền để làm việc đó?
Hãy hình dung một anh chàng đang có mặt ở nhà mẹ vợ để dự bữa tối
trong buổi Lễ Tạ ơn và trên bàn là bữa tiệc thịnh soạn bà chuẩn bị để đón
tiếp anh. Món gà tây quay có màu nâu vàng óng; nguyên liệu nhồi cho món
gà tây là những thứ do bà tự làm và đúng kiểu anh thích. Bọn trẻ thì vui
sướng : món khoai lang được trang trí vương miện bằng những chiếc kẹo
dẻo. Vợ anh thì được tán dương : món bánh ngô cô ấy thích làm được chọn
cho thực đơn tráng miệng.
Những hoạt động vui vè được tiếp diễn cho tới chiều muộn. Chàng trai
trìu mến nhìn về phía mẹ vợ rồi từ từ đứng lên và rút ví ra. Anh chân thành
nói: “Mẹ! Vì tất cả tình yêu mẹ dành cho bữa tiệc này, con nợ mẹ bao nhiêu
nhỉ?”. Khi sự im lặng bao trùm không khí của buổi tiệc, anh giơ xấp tiền
lên và nói: “Mẹ nghĩ 300$ có đủ không? Không! Có lẽ con nên gửi mẹ
400$!”
Một lý rượu đổ, bà mẹ vợ đứng dậy, mặt đỏ bừng bừng; cô chị dâu
ném cho anh cái nhìn giận dữ và đứa cháu gái thì bật khóc. Buổi Lễ Tạ Ơn
năm sau, có vẻ, sẽ là một bữa tối lạnh lẽo trước màn hình tivi.
Chuyện gì đang xảy ra ở đây vậy? Tại sao một lời đề nghị trả tiền trực
tiếp lại làm cho bữa tiệc mất vui như thế? Như Margaret Clark, Judson
Mills và Alan Fiske (9) đã đưa ra giả thuyết rằng chúng ta sống đồng thời
trong hai thế giởi khác nhau - một với các quy chuẩn xã hội chiếm ưu thế,
và một với quy chuẩn thị trường tạo ra các quy tắc, Các quy chuẩn xã hội
bao gồm những yêu cầu thân thiện giữa con người với con người như :
Anh/chị có thể làm ơn giúp tôi chuyển chiếc ghế bành này ra chỗ khác
được không? Anh/chị làm ơn giúp tôi thay lốp với?... Các quy chuẩn xã hội
được bọc kín trong bản chất xã hội và nhu cầu cộng đồng của con người.
Các quy chuẩn này thường ấm áp nhưng rất mờ nhạt. Nó không đòi hỏi sự
đáp trả tức thời : có thể giúp người hàng xóm di chuyển cái ghế bành,