Có những đêm, vừa chợp được mắt lại mơ thấy đứa con đỏ hỏn, mắt nó
ngước nhìn mẹ trân trân. Thương bừng tỉnh, tim đập loạn nhịp, người vã
mồ hôi, rồi không sao ngủ lại được. Mái tóc thuở trước dầy mượt mà, tuôn
dài đến kheo chân, bây giờ rụng nhiều, trở nên xơ xác, ngắn cũn cỡn. Vẻ
đẹp trời cho người con gái có nhan có sắc, bây giờ chỉ còn lưu lại vài ba
dấu vết. Duy chỉ có đôi mắt phơn phớt xanh của người con gái theo đạo
Thiên chúa, ẩn chứa nỗi buồn điềm điệp vẫn toát lên vẻ đẹp nội tâm vô
cùng trong trẻo.
Bố mẹ đã buộc lòng gả con gái cho Cội, cô không nỡ oán trách cha mẹ.
Không thể bỏ chồng dù rằng chưa một giây phút nào cô yêu Cội. Đức Chúa
trời không đồng tình với bất cứ người vợ nào manh tâm ly hôn. Thành vợ
thành chồng là sự an bài của Thượng đế, của Chúa trời. Miệng Thương
nhẩm đọc câu Thánh ca: “Có chúa trong cuộc đời, ngàn khó nguy đâu có
ngại gì…”, bàn tay làm nhanh dấu Thánh trên ngực. Có mặt Cội tại nhà lại
chính là giờ phút bất an nhất trong lòng Thương. Lảng tránh Cội, Thương
lại lụi hụi băm bèo nấu cám hoặc gánh phân, vác cào cỏ ra đồng làm việc
dù rằng, khi ra về mệt rã rời, mắt hoa đom đóm, đầu váng vất, phải nằm
bẹp trên giường vài ngày, ăn cháo thay cơm.
Nhìn vẻ gầy gò ốm yếu, thiếu sức sống của vợ, Cội rủa, lụ khụ như bà lão.
Rồi ăn nằm với cô như nằm bên que củi, tôi chẳng còn hứng thú. Thương
chỉ cắn răng, im lặng, không khóc. Và đã lâu lắm rồi, Cội không chung
chăn gối với Thương.
Vợ chồng ông Thưởng từ làng Xuân Thành sang thăm con gái, thấy
Thương gầy mòn tiều tụy quá đỗi, mắt ông rơm rớm nước. Bà Thưởng xin
cho con mình về nhà bố mẹ đẻ, để tiện chăm sóc sức khỏe cho đứa con yếu
đuối. Cội mừng, thầm nghĩ, may quá được dịp tống khứ đứa ốm đau bệnh
hoạn khỏi cái nhà này.
Về nhà bố mẹ rồi, sau này Thương không trở về nhà Cội nữa, dù rằng cô
không viết đơn đòi ly dị. Thương cũng không biết rằng ông Cành đã trở về